Phòng tránh đuối nước ở trẻ em: Nhìn từ trách nhiệm người lớn
(Dân trí) - Thời gian qua, đuối nước ở trẻ em luôn là nỗi lo, nỗi ám ảnh đối với nhiều gia đình cũng như các cơ quan chức năng. Thực trạng này như hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trẻ em.
Trách nhiệm trước hết là các bậc phụ huynh
Đuối nước ở trẻ em vẫn luôn là nỗi đau vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt vào những mùa nghỉ hè ở học sinh. Với 102 km đường biển và hệ thống sông ngòi nhiều, hằng năm, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương có tỷ lệ đuối nước cao.
Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 17 vụ đuối nước khiến 28 trẻ em tử vong.
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm biển thuộc địa phận thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa không may 4 em bị nước biển cuốn trôi vào ngày 23/4. Nhận được thông tin, lực lượng công an, biên phòng và các lực lượng khác đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng người dân địa phương tổ chức tìm kiếm và đã phát hiện được thi thể các nạn nhân.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc trẻ em đuối nước tử vong thương tâm diễn ra từ đầu năm đến nay. Trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc để trẻ em tự do đi lại.
Bên cạnh đó là môi trường không an toàn như: Hệ thống sông, suối, ao, hồ, vũng nước. Thực tế cho thấy mỗi dịp hè, tỷ lệ trẻ đuối nước lại tăng đột biến. Có thể nói phòng tránh đuối nước cho trẻ là trách nhiệm chung của toàn xã hội nhưng trước hết trách nhiệm đó phải thuộc về gia đình.
Bố mẹ và người thân chính là những người bảo đảm tính mạng của con trẻ. Ngoài việc dạy kỹ năng bơi cho trẻ thì việc tạo môi trường an toàn cho con trẻ và sự quản lý của các bậc phụ huynh là vấn đề đáng được quan tâm.
Theo thầy Dương Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan, thành phố Thanh Hóa, chia sẻ: "Việc dạy kỹ năng bơi, bồi dưỡng các kiến thức cho trẻ là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Nhiều nhà trường đã tổ chức các hoạt động phòng, chống đuối nước như lắp bể bơi nhân tạo ngoài trời để dạy bơi miễn phí cho học sinh vào dịp hè.
Thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn đang còn những vụ đuối nước xảy ra ở lứa tuổi học sinh mà hầu hết là các vụ việc diễn ra vào các ngày nghỉ học, thời gian này các em ở gia đình dưới sự quản lý của bố mẹ. Điều này cho thấy ngoài trách nhiệm của nhà trường thì vai trò của gia đình và các bậc phụ huynh là rất quan trọng".
Chung tay xoa dịu nỗi đau đuối nước
Thanh Hóa là một trong 8 tỉnh được triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam (viết tắt là Dự án) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAl) và Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH.
Theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 20 xã thuộc 6 huyện: Hà Trung, Nga Sơn, Cẩm Thủy, Nông Cống, Như Thanh và Triệu Sơn được hưởng lợi từ Dự án hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam.
Với việc thực hiện 3 can thiệp chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước, cải tạo môi trường để loại bỏ nguy cơ gây đuối nước tại cộng đồng và dạy bơi an toàn cho trẻ em. Trong 3 năm qua, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã triển khai thực hiện, hướng dẫn các địa phương triển khai dự án thực hiện các hoạt động dự án đảm bảo nội dung, tiến độ đặt ra.
Thông qua dự án, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 2.019/2.200 trẻ em được dạy bơi đạt yêu cầu và đã biết bơi theo quy định (đạt 96,3%). Đặc biệt, việc tạo môi trường sống của trẻ em tại gia đình và cộng đồng được cải thiện, đảm bảo an toàn, vì thế trong 3 năm qua không có vụ việc trẻ em bị đuối nước tại các xã có dự án.
Ngoài ra, nhiều mô hình như: "Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em", "Trường học không bạo lực, không tai nạn thương tích" được phối hợp thực hiện hiệu quả giữa các địa phương từ cấp tỉnh đến huyện, xã.
Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó chủ tịch UBND xã Yên Thọ (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa), cho biết: "Vài năm trở lại đây địa phương không có vụ đuối nước nào xảy ra. Đây là kết quả của quá trình thực hiện tốt các công tác, kế hoạch trong phòng, chống đuối nước mà huyện Như Thanh (đơn vị hưởng lợi từ Dự án) triển khai trong nhiều năm qua".
Cũng theo ông Đại, trong những năm qua, địa phương thường xuyên quan tâm, chú trọng đến công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Nhiều hoạt động do đoàn thanh niên thực hiện rất tốt như lập các điểm dạy bơi miễn phí cho các cháu vào những ngày hè. Bên cạnh đó, nhờ công tác tuyên truyền mà các bậc phụ huynh cũng ý thức tốt về trách nhiệm của gia đình trong công tác phòng, chống đuối nước.
"Nhiều phụ huynh có kỹ năng chuyên môn về bơi còn tham gia với đoàn thanh niên dạy bơi cho các cháu. Ngoài ra, còn tham gia đóng góp lốp xe, phao cứu sinh, áo phao, dây bơi để tạo môi trường an toàn cho các cháu. Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong suốt 3 năm qua", ông Đại chia sẻ thêm.
Để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em không chỉ gia đình mà đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng. Có như vậy thì những nỗi đau mang tên đuối nước không còn là vấn đề nhức nhối của xã hội.