1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Phía sau bản án: Nỗi đau mất con, mẹ hàn gắn bằng thứ tha, độ lượng

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Dù có oán trách, thù hận, con tôi cũng không thể sống lại. Minh thì còn trẻ, còn cả tương lai phía trước. Tôi mong tòa xem xét cho cháu một cơ hội để sớm trở về, làm lại cuộc đời".

Những lời gan ruột của mẹ bị hại khiến bị cáo Nguyễn Văn Minh cúi đầu bật khóc. Ở bên kia, mẹ Minh cũng nức nở trước sự độ lượng, thấu hiểu và sẻ chia của mẹ bị hại.

Hơn 10 năm dự cả ngàn phiên tòa, hàng trăm những vụ án giết người, tôi chứng kiến nhiều vụ chửi bới, thậm chí là ẩu đả giữa người nhà bị cáo và bị hại ngay tại chốn công đường. Nhưng phiên xét xử Nguyễn Văn Minh (SN 2002, trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) vào giữa năm 2019 thì khác hẳn.

Những người mẹ mang nỗi đau riêng mà sự ứng xử văn minh và thấu hiểu đã giúp khép lại vụ án giết người theo một cách không giống thông thường. 

Phía sau bản án: Nỗi đau mất con, mẹ hàn gắn bằng thứ tha, độ lượng - 1

Vào thời điểm xảy ra vụ án giết người, Nguyễn Văn Minh đang là học sinh lớp 11...

Là con đầu trong gia đình nhà nông nghèo có 4 con ở một xã trung du của huyện Thanh Chương, Minh biết lo xa và sớm ý thức được trách nhiệm của mình. Bố mẹ đi hái chè, chặt keo thuê, Minh quán xuyến nhà cửa, gà vịt, cơm nước, trông nom các em. Dẫu học khá nhưng đích đến của cậu học trò lớp 11 này không phải là đại học mà Minh có tính toán riêng cho mình.

"Nó bảo học xong cấp 3 con đi bộ đội, khi ra quân có chút vốn, lại được hưởng chế độ ưu đãi thì sẽ đi xuất khẩu lao động kiếm tiền đỡ đần bố mẹ lo cho các em", chị Tuyết thổn thức khi kể về kế hoạch đang còn dang dở của con trai.

Hôm đó, Minh đứng trước tòa án để chờ sự phán quyết của pháp luật dành cho tội phạm giết người.

Theo hồ sơ vụ án, do mâu thuẫn nhỏ nhặt từ trước nên chiều tối 5/11/2018, thấy Cường (SN 1998) chở Tú Anh (SN 2005) và Bình (SN 2003) trên đường, Tuấn rủ nhóm bạn của mình, trong đó có Minh, đuổi theo để "giải quyết". Minh ném mũ bảo hiểm đang cầm trên tay vào xe. Chiếc mũ trúng yếm xe, bật lên văng vào mặt Cường làm thanh niên này lạng tay lái, xe lao xuống vệ đường. Hậu quả, Cường tử vong tại chỗ, Tú Anh tử vong trong bệnh viện, còn Bình bị thương.

Vào thời điểm xảy ra sự việc, Nguyễn Văn Minh mới 16 tuổi, 9 tháng, 5 ngày, đang là học sinh lớp 11.

Phía sau bản án: Nỗi đau mất con, mẹ hàn gắn bằng thứ tha, độ lượng - 2

Suốt phiên xử, mẹ bị hại Cường và mẹ bị hại Tú Anh khóc nghẹn trước nỗi đau mất con.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, trong nhà không có lấy một đồng bạc, vợ chồng chị Tuyết cầm cố đất đai, vay mượn anh em chòm xóm để lo bồi thường gần 200 triệu đồng cho các bị hại, đồng thời cùng gia đình lo tang ma chu đáo.

"Giá nhà có ít đất đồi thì tôi cũng bán, chứ được mỗi nếp nhà, bán rồi con cái biết sống ở đâu. Con mình dại dột, làm gia đình người ta mất con, đau đớn lắm. Tiền thì biết bao nhiêu cho đủ nhưng họ thương cảm, sống tình nghĩa, cũng không oán thán gì", chị Tuyến nói về nỗi đau của mình và nỗi đau mất con của 2 người mẹ khác.

Trong mắt chị Cẩm (mẹ bị hại Cường) thì con trai là một người biết lo nghĩ. Cường thi đỗ đại học nhưng quyết định đi làm thuê kiếm tiền cho mẹ phẫu thuật cắt bỏ khối u. Vậy mà... Thương con bao nhiêu, chị oán trách kẻ gây ra cái chết của con bấy nhiêu nhưng nhìn khuôn mặt non choẹt của Minh, nhìn dáng vẻ khắc khổ mà thành tâm của bố mẹ Minh khi đứng trước bàn thờ thắp hương thay con tạ tội, lòng chị chùng xuống.

Còn chị Nguyệt, mẹ của nạn nhân Tú Anh khóc suốt phiên xử. Vào thời điểm vụ án xảy ra, con gái chị mới hơn 13 tuổi. Vết thương từ vụ ngã xe quá nặng, Tú Anh trải qua thời gian cấp cứu, điều trị tích cực tại bệnh viện nhưng không qua khỏi.

"Dù có oán trách, thù hận, Tú Anh cũng không thể sống lại. Minh thì còn trẻ, còn cả tương lai phía trước. Tôi mong tòa xem xét cho cháu một cơ hội để sớm trở về, làm lại cuộc đời", giọng nói của người mẹ mất con nghẹn ngào.

Phía sau bản án: Nỗi đau mất con, mẹ hàn gắn bằng thứ tha, độ lượng - 3

Bà Tuyết chạy theo nhìn con trai bước vào xe để trở về trại giam sau khi bị tuyên án 17 năm tù.

Trên bục khai báo, Minh bật khóc. Bị cáo gửi lời xin lỗi tới bị hại và gia đình bị hại, cầu mong sự tha thứ. Minh cũng xin lỗi bố mẹ vì nỗi đau và gánh nặng gây ra cho bậc sinh thành.

Mặc dù bị cáo Minh không chủ đích gây ra cái chết cho các nạn nhân nhưng hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, tước đoạt mạng sống của 2 người. Tuy nhiên, sau khi biết các nạn nhân không qua khỏi, Minh đã đến cơ quan chức năng đầu thú, tác động gia đình để bồi thường một phần tổn thất cho phía bị hại, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thời điểm phạm tội chưa đủ 18 tuổi... Với rất nhiều lý do như thế, Hội đồng xét xử tuyên phạt Minh 17 năm tù.

Phiên tòa kết thúc, Nguyễn Văn Minh được dẫn giải ra xe trở lại trại giam. Chị Tuyết chạy theo rồi thẫn thờ nhìn cánh cửa xe thùng đóng lại, bít bùng.

"Nó nói bố mẹ giúp con, sau này ra tù con sẽ trả lại. Bố mẹ năng đi lại với nhà cô Nguyệt, bác Cẩm, ra tù con sẽ thay anh Cường, em Tú Anh chăm sóc, phụng dưỡng các bác. Mẹ cũng dặn dò các em, đừng để chúng đi chơi, phải chăm lo học hành. Con ở trong này cũng sẽ cố gắng cải tạo để sớm được trở về", chị Tuyết ngồi thụp xuống sân tòa, khóc như mưa khi thuật lại lời con.

Một cánh tay đưa ra, xốc chị đứng dậy. "Về đi chị, tôi sẽ viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho cháu", chị Nguyệt động viên mẹ bị cáo.

Hai người phụ nữ rời phiên tòa, mỗi người mang một nỗi đau riêng nhưng sự sẻ chia và thấu hiểu giúp họ gần nhau hơn. Nỗi đau vì thế cũng vợi bớt trong lòng những người mẹ.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)