Phía sau bản án: Nỗi đau của những người mẹ
(Dân trí) - Họ, có người đã già, người còn trẻ, từ nhiều vùng quê khác nhau, đến dự phiên tòa. Điểm chung của họ là cái nghèo, gánh nặng và nỗi đau của người mẹ khi có con sa ngã trước cám dỗ của ma túy.
1. Bà Võ Thị Ph. (SN 1941, trú tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An) thân hình nhỏ thó, gầy gò, mái đầu đã bạc trắng, đến dự phiên xử con trai. Thực ra, chốn công đường không xa lạ gì với bà, bởi đây đã là lần thứ 3 Cao Tiến Thuận (SN 1968, con trai bà) hầu tòa.
Năm 1990, khi 22 tuổi, Cao Tiến Thuận dính vào vụ án "Phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia" và bị Tòa án Quân khu 4 tuyên phạt 16 năm tù. 7 năm sau, vợ Thuận gửi đơn ly hôn tới trại giam. Bà buồn lắm, nhưng không dám trách gì con dâu, lúc đó còn trẻ quá, lại một nách 2 con.
3 năm sau, Thuận mãn hạn tù, ra trại là lấy ngay một người phụ nữ khác, nhưng chỉ 2 năm lại đường ai nấy đi. Năm 2003, Thuận bị bắt lần thứ 2, phải lĩnh bản án 15 năm tù cho 2 tội danh "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy".
Năm 2014, "nghịch tử" ra tù, lấy người vợ thứ 3. Chung sống thời gian ngắn thì vợ qua đời, để lại cho Thuận và người mẹ già đứa trẻ mới 5 tuổi.
Biến cố xảy ra liên tiếp, Thuận lao vào bài bạc như cách trả thù đời, mặc những tiếng thở dài đến buốt ruột hay những giọt nước mắt không ngừng lăn trên khuôn mặt nhăn nheo của mẹ.
Giữa năm 2020, Cao Tiến Thuận bị bắt vì liên quan đến một vụ mua bán trái phép 10 gói ma túy, có trọng lượng gần 200g.
Con trai bị bắt lần này, bà Ph. không còn sốc nữa, chỉ còn nỗi bẽ bàng, buồn đến tê tái của người mẹ không thể dạy con nên người, không thể kéo con ra khỏi vũng bùn lầy lội.
Giờ nghị án ngắn ngủi, bà khẩn khoản xin cán bộ công an dẫn giải được nói chuyện với con. Vừa khẽ ngồi xuống cách con 2 dãy ghế, bà nức nở: "Con ơi, mẹ khổ lắm, đau lắm...". Đáp lại tiếng khóc tủi hờn của người mẹ khốn khổ, Thuận quát lên: "Mẹ có thôi đi không". Nhưng rồi chính "nghịch tử" cũng bật khóc, dẫu giọt nước mắt muộn màng ấy không thể xoa dịu nỗi đau đớn, tủi hổ của người mẹ khốn khổ.
20 năm tù là bản án lần thứ 3 tòa dành cho Cao Tiến Thuận. Nghe tòa tuyên án, bà Ph. ngồi như bất động. Có lẽ, bà chẳng thể đợi được đến ngày con trở về...
2. Khác với bà Ph., bà Lê Thị V. (SN 1969, trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, Nghệ An) đến dự phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp cho bị cáo Vi Văn Quyết. Theo cáo buộc, Vi Văn Quyết nhận một bánh heroin và 50 gói hồng phiến từ 2 người đàn ông, đang trên đường vận chuyển ra Hà Nội giao cho khách thì bị công an phát hiện, bắt giữ. Thời điểm phạm tội, Quyết mới 16 tuổi.
Suốt buổi xét xử, bà V. ngồi như bất động, mỗi khi chủ tọa hỏi tới, nước mắt người mẹ lại tuôn trào, lời nói chìm trong tiếng nấc nghẹn. Bà góa chồng, một mình nuôi 5 con. Nhưng điều đó không khiến cậu con trai biết suy nghĩ mà thương lấy mẹ.
13 tuổi, Quyết bỏ học, lêu lổng theo đám bạn xấu rồi bập vào ma túy. Bà Vân từng khóc cạn nước mắt khuyên ngăn nhưng rồi bất lực trước đứa con ngỗ nghịch, lắm lúc còn bị con lừa lấy tiền để mua ma túy, thỏa mãn cơn nghiện. Chuyện gì đến rồi cũng đến, Quyết nhận lời đi đưa ma túy cho "anh em xã hội" và bị bắt giữ.
Ngày ra tòa, Quyết mải mê với "anh em xã hội" đến dự khán, chẳng nhìn, chẳng nói với mẹ một lời. Bà V. nhận trách nhiệm về việc không khuyên ngăn, dạy bảo con và trình bày cảnh khổ khi nuôi con một mình. Bà xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho con trai và mong Quyết không phải đi thi hành án xa để có thể thăm nom con.
Trong khi hai đồng phạm của Quyết lần lượt nhận bản án tử hình và chung thân thì Quyết bị tuyên án 10 năm tù do phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi. Nghe tòa tuyên án, bà V. khóc òa lên nhưng cậu con trai dường như chẳng để tâm lắm vì còn mải... chào "anh em xã hội" khi được dẫn giải rời tòa, để mặc mẹ chơ vơ giữa nỗi đau đớn, bất lực...
3. Bà V., bà Ph. dẫu đau, dẫu buồn nhưng dù sao mọi việc cũng đã được an bài, con đã nhận phán quyết, trừng phạt của pháp luật. Với bà Hứa Thị Kh. (SN 1959), hành trình của nỗi đau, tủi khổ trước tòa vẫn kéo dài trước mặt. Con trai bà vẫn đang phải chờ hình phạt của pháp luật, còn bà thì vẫn thấp thỏm trong nỗi lo âu...
Từ Lạng Sơn, bà Kh. - mẹ bị cáo Hứa Văn Đố (SN 1985) vào Nghệ An dự phiên tòa xét xử con trai. "Bắt xe từ 2h chiều ngày 22/5, 2h sáng nay mới vào tới nơi", người phụ nữ dân tộc Mông khó nhọc diễn giải bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ.
64 tuổi nhưng trông bà già hơn tuổi thật của mình. Nhà ở mãi trong núi, ít khi bà Kh. đi ra ngoài, cũng ít tiếp xúc, giao du với người lạ. Nếu cậu con trai duy nhất không bị bắt vì ma túy, có lẽ bà cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện vào tận mảnh đất miền Trung.
"Nhà làm rẫy, nhiều rẫy lắm, chỉ không có sức mà làm. Làm rẫy thì có lúa ăn nhưng bán không có tiền, cũng không biết làm gì khác. Mượn mãi mới được 3 triệu để đi vào đây, không biết về có còn đủ tiền nữa không", bà Kh. nói.
Lần đầu tiên đến nơi đây nên cái gì bà Kh. cũng phải hỏi. Thương cảnh bà xa xôi cách trở mới vào được đây nên cán bộ trại giam cho phép bà nói chuyện với con trai, tất nhiên hai mẹ con vẫn phải ngồi cách xa nhau. Hai mẹ con nói chuyện bằng tiếng Mông, không rõ chuyện gì, chỉ thấy thỉnh thoảng bà Kh. đưa tay lên lau nước mắt.
"Tôi đi chợ về thì không thấy con đâu nữa. Mấy ngày sau công an báo tin, nó bị bắt vì đi buôn ma túy", bà nói lại.
Đố và đồng phạm bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố, xét xử vì liên quan đến vụ mua bán hơn 400g ma túy. Bà Kh. không biết từng đó ma túy là nhiều hay ít, phải "đổi" bao nhiêu năm tù, chỉ biết "trong lòng buồn lắm, đêm không ngủ được". Bà lo cảnh con trai đi tù, lo hai đứa cháu nhỏ phải nghỉ học giữa chừng.
Suốt buổi trò chuyện, bà cứ nhắc đi nhắc lại việc bà và con dâu không biết làm gì ngoài làm rẫy, mà rẫy thì ở xa lắm. Từ hồi Đố bị bắt, hai mẹ con bà không dám đi xa như thế để làm rẫy.
Người quen bảo bà gửi tiền lưu ký cho con, bà cũng không hiểu lưu ký là gì. Khi nghe giải thích, bà đứng dậy, đi ra sau cánh cửa, móc nắm tiền lẻ ở túi áo trong ra đếm rồi lại chạy vào hỏi gửi cho con bằng cách nào.
Vì vụ án còn nhiều tình tiết cần phải làm rõ nên Hội đồng xét xử tuyên trả hồ sơ để công an điều tra lại. Bà ngơ ngác hỏi "mấy năm tù". Vị luật sư giải thích, bảo bà về quê đi, hôm nào tòa mở lại phiên xét xử, ông sẽ báo tin.
Bà Kh. lưỡng lự, định nói gì đó nhưng lại thôi. Lần tới vào, bà thêm một lần được gặp con nhưng vay ở đâu được tiền để làm lộ phí thì đó là một vấn đề lớn. 3 triệu đồng vay cho lần đi này, bà cũng chưa biết bán gì để trả...
(Còn nữa)