Phát triển nghề công tác xã hội góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Nhân viên công tác xã hội có nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, ngay từ khâu phòng ngừa tác động của biến đổi khí hậu.
Sáng 18/10, báo Dân trí đã phối hợp cùng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo "Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu".
Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ tuyên truyền nâng cao nhận thức về xu thế biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình thiên tai trên thế giới và Việt Nam, giúp người dân hiểu nguy cơ, tác động và thách thức, đưa giải pháp, kỹ năng ứng phó, giới thiệu mô hình, cách làm tốt trong phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Công tác xã hội quan trọng với thích ứng biến đổi khí hậu
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập báo Dân trí đánh giá, biến đổi khí hậu đang là một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng, đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.
Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang có những tác động ngày càng nghiêm trọng, khốc liệt, dữ dội hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn... ngày càng gia tăng và gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản.
Theo nhà báo Phạm Tuấn Anh, biến đổi khí hậu không chỉ gây ra những thiệt hại về kinh tế, mà còn tác động đến đời sống xã hội, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ...
"Những nhóm đối tượng yếu thế này thường có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thấp hơn. Do đó, đây sẽ là những người chịu nhiều thiệt hại hơn khi thiên tai xảy ra", ông Tuấn Anh nhận định.
Ông lấy ví dụ cách đây ít ngày, chứng kiến hình ảnh người dân bật khóc khi "cơn cuồng phong" mưa, lũ, bùn, đất tràn vào hàng trăm xóm làng, khu dân cư tại Đà Nẵng hay cơn lũ kinh hoàng đã quét qua thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vùi lấp, cuốn trôi nhiều tài sản, nhà cửa của dân.
Trong bối cảnh đó, công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người dân thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cấp bách và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
"Thiên tai đang diễn ra trên diện rộng, từ miền núi, đồng bằng đến đô thị, đòi hỏi các ngành chức năng, mỗi địa phương phải đặc biệt đề cao cảnh giác, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng bất thường", ông Tuấn Anh bày tỏ.
Nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội
Trong khuôn khổ chương trình, các nhà khoa học, chuyên gia đã cùng thảo luận, chia sẻ nhiều chủ đề như thực trạng, tình hình trong công tác xã hội đối với biến đổi khí hậu, góc nhìn, kết quả và các giải pháp trong công tác xã hội đối với biến đổi khí hậu…
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức đánh giá, công tác xã hội là một lĩnh vực còn mới ở Việt Nam, tuy nhiên đến nay đạt được nhiều thành tựu. Trong đó vai trò của nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp rất quan trọng.
Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội đánh giá, những khuyến nghị của các chuyên gia, đại diện các cơ quan báo chí hết sức sâu sắc, làm nổi bật mục tiêu, vai trò của cơ quan truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vì mục tiêu cuối cùng là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
"Người dân ở vùng thiên tai chịu khó khăn thì người cao tuổi, trẻ em, người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Nhân viên công tác xã hội có nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, ngay từ khâu phòng ngừa tác động của biến đổi khí hậu", ông Đức nêu rõ.
Thông qua hội thảo, ông Đức hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của các Bộ, Ngành và cộng đồng về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tới cuộc sống người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế - đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ về thu nhập và việc làm do tác động của biến đổi khí hậu.