Phát sinh vướng mắc về đối tượng hỗ trợ khi triển khai gói 38.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Khi thực hiện gói 38.000 tỷ đồng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận thấy một số nhóm người lao động chưa có căn cứ rõ ràng để chi trả tiền hỗ trợ và đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn cụ thể hơn…
Sau một tuần triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trị giá 38.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 116 của Chính phủ và Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ), ngày 6/10, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có Công văn số 3138 gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ người lao động.
Theo nội dung công văn, tại Khoản 1 Quyết định số 28 quy định một trong các điều kiện để xác định đối tượng hỗ trợ là "Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội)".
Khi xác định đối tượng thực hiện, đối chiếu với quy định tại Điều 11 Nghị định số 28 năm 2015 của Chính phủ, cơ quan bảo hiểm xã hội chưa có căn cứ rõ ràng để áp dụng đối với các đối tượng gồm: Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội; Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động; Người lao động nghỉ việc không hưởng lương; Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái quy định pháp luật (tự ý bỏ việc).
Theo lý giải của BHXH Việt Nam, tại thời điểm 30/9/2021, những trường hợp nêu trên không đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng cũng chưa phải đã ra khỏi "danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp" của đơn vị sử dụng lao động và thực chất là có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, tương đồng với đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 28.
Cũng theo nội dung công văn của BHXH Việt Nam, trong hồ sơ của các cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền chưa đề cập rõ các tình huống bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nêu trên. Vì vậy, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa quy định chi tiết về nội dung này.
Trên cơ sở đó, căn cứ vào Khoản 1, Điều 6, Quyết định 28, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm nghiên cứu, hướng dẫn nhóm đối tượng có tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực chất là được bảo lưu trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 (thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam) đến 30/9/2021, nhưng không có tên trong danh sách đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 để Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ sở thực hiện.
Cũng trong Công văn số 3138, BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục nhận hồ sơ, giải quyết chi trả tiền hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất đối với những đối tượng đã quy định cụ thể. Đồng thời chưa tiếp nhận hồ sơ của nhóm đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng cũng chưa phải đã ra khỏi "danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp" cho đến khi có hướng dẫn.