Ông Bùi Sỹ Lợi: "Nhiều bài học đắt giá từ thực hiện chính sách an sinh..."
(Dân trí) - "Một điểm sáng trong bối cảnh Covid-19 là việc ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, kể cả chính sách chưa có tiền lệ để bảo đảm mục tiêu vì an sinh xã hội của nhân dân", ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội của Quốc hội, chuyên gia về an sinh việc làm, về những đánh giá tổng quát liên quan tới kết quả thực hiện các Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP nhằm hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 thời gian qua.
Thưa ông, tới thời điểm này, công tác triển khai các gói an sinh theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã trải qua một quãng thời gian dài. Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu độc lập, ông có những nhận xét gì về kết quả thực hiện?
- Có thể nói đến thời điểm này, công tác triển khai các gói an sinh theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã đạt được kết quả nhất định. Dù lúc đầu, một số chính sách được quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn (do quy định pháp luật), như: Chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương và phục hồi sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Nhưng sau khi sơ kết, tiếp thu ý kiến của nhân dân, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh chính sách và giao trách nhiệm cho các địa phương chủ động thực hiện.
Kết quả cho tới nay, Trung ương và các địa phương đã dành hơn 71.400 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác; xuất cấp trên 158 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn... Về cơ bản, chúng ta đã đạt mục tiêu đề ra.
Có thể nói, việc hỗ trợ nhìn chung được triển khai nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đây là thành công trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân.
Qua thành công từ việc thực hiện 2 chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta có thể rút ra được những bài học gì, thưa ông?
- Tổng thể kết quả có được là sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng lòng chung sức của toàn dân với tinh thần trách nhiệm cao đóng góp giá trị đặc thù và rất nổi bật của lĩnh vực an sinh xã hội.
Theo tôi, nhiều bài học có thể rút ra trong cả quá trình triển khai. Đầu tiên chính là việc ban hành chính sách kịp thời, kể cả chính sách chưa có tiền lệ để bảo đảm mục tiêu vì an sinh xã hội của nhân dân.
Tiếp theo là chính sách hỗ trợ đã chú trọng việc giảm tối đa các điều kiện, thủ tục, rút ngắn về thời gian hỗ trợ, tạo điều kiện để người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng tiếp cận.
Đặc biệt là đối với nhóm lao động tự do và đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, Chính phủ quy định mức sàn tối thiểu và giao các địa phương chủ động quy định tiêu chí, tạo sự linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Bài học thứ 3 cần lưu tâm là qua đại dịch Covid-19, chúng ta càng hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó phải chuẩn bị về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân.
Cuối cùng, bài học rút ra là cần tạo cho được sự đồng thuận của toàn dân trong công cuộc phòng chống dịch, bệnh và ủng hộ các chủ trương, biện pháp của Chính phủ.
Trong tình hình tới đây, công tác xây dựng chính sách an sinh sẽ còn gặp nhiều thách thức trước dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn khác phát sinh. Theo ông, cần chú trọng điều gì để có thể tiếp nối những thành công vừa qua?
- Trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về an sinh xã hội để có thể thích ứng với các tình huống bất trắc xảy ra do dịch, bệnh, biến đổi khí hậu.
Tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành và hướng tới hệ thống an sinh nhằm ứng phó linh hoạt với các "cú sốc" trên diện rộng.
Tôi xin đơn cử như: Xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân, hộ người nghèo, người yếu thế trên địa bàn phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời cần phát triển hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân…
Thống kê mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, trong việc thực hiện Nghị quyết số 68 (sửa đổi bởi Nghị quyết số 126) và Quyết định số 23 của Thủ tướng (sửa đổi bởi Quyết định số 33), toàn quốc đã có 378.300 lượt người sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác được hỗ trợ với tổng kinh phí là 33.564 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, qua việc thực hiện Nghị quyết số 116 và Quyết định số 28, cả nước đã có 363.600 lượt người sử dụng lao động và 12,8 triệu lượt người lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí 37.918 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...
Xin cảm ơn ông