"Ôm" bốt... tử thần mưu sinh

Dân trí

(Dân trí) - Ngay dưới tấm biển "Có điện, nguy hiểm chết người" được dán tại các bốt điện, trạm biến áp, người lao động nghèo vẫn vô tư buôn bán, sinh hoạt mỗi ngày.

Giữa phố phường Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh những bốt điện hay trạm biến áp nằm trên vỉa hè, ngay sát khu vực dân cư. Không gian xung quanh các "bốt tử thần" đó chính là địa điểm buôn bán đắc dụng của nhiều hàng quán, chợ cóc vỉa hè. 

Ôm bốt... tử thần mưu sinh - 1

Tiểu thương buôn bán trên những con ngõ nhỏ ở phố cổ Hà Nội đã quen với việc "ôm" bốt điện mỗi ngày (Ảnh: Phan Minh Thảo).

"Không còn lựa chọn nào khác"

Nhiều năm buôn bán hải sản ngay chân một trạm biến áp trên phố Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm), bà Nguyễn Thị Lý (46 tuổi) biết bản thân đối diện với những nguy hiểm tiềm ẩn. Song vì mưu sinh, bà không còn lựa chọn nào khác, vì "không ngồi đây buôn bán thì cũng chẳng biết ngồi đâu nữa".

"Đường bé chỉ đủ cho hai xe máy tránh nhau, vỉa hè thì phải tranh thủ từng tấc đất để có chỗ mà bày biện hàng hóa, tôi không có thời gian để xem xét, lựa chọn ngồi chỗ nào mới an toàn", bà Lý chia sẻ. 

Giống như bà Lý, nhiều tiểu thương khác cũng bày bán hàng hóa sát bốt điện vì không còn chỗ khác để bán hàng. Chính vì những người có điều kiện "chê" bốt điện nên người lao động, tiểu thương nghèo mới có chỗ mưu sinh đỡ tốn kém chi phí.

Ôm bốt... tử thần mưu sinh - 2

Người dân buôn bán quanh bốt điện mỗi ngày (Ảnh: Phan Minh Thảo).

Tình trạng bốt điện, trạm biến áp bất đắc dĩ thành không gian đa năng cũng diễn ra tại các tuyến phố lớn như Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), Xã Đàn (quận Đống Đa), Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân),... Người dân đã quen với việc những bốt điện ngay sát khu dân cư thành nơi bày bán hàng, treo biển quảng cáo, hay thậm chí là… điểm tập kết rác. 

Ông Hà Duy Sơn (60 tuổi) là chủ quán nước trên phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm). Do không gian quán hẹp, mỗi khi trong quán hết chỗ ngồi, ông đều kê thêm ghế ra khu vực bốt điện ngay trước cửa quán phục vụ khách, dù biết các bốt điện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Nguy cơ cháy nổ rình rập

Trước đây, trên địa bàn Hà Nội từng xảy ra nhiều vụ chập, cháy nổ bốt điện. Năm 2016, vụ nổ bốt điện tại quận Hà Đông khiến 1 người tử vong và 4 người bị thương. Trên đường Phạm Hùng cũng từng xảy ra vụ nổ bốt điện khiến 3 công nhân bị thương vào năm 2018.

Những vụ việc đó cho thấy rõ những nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn tại các trạm biến áp. 

Ôm bốt... tử thần mưu sinh - 3

Tấm biển cảnh báo "Có điện, nguy hiểm chết người" không đủ sức ngăn người dân tận dụng không gian quanh bốt điện.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, 63 tuổi, sống trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) cho rằng cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng các trụ - bốt điện trong thành phố bị chiếm dụng nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau của người dân. 

"Nhiều người cứ để đồ dễ chập, cháy ngay cạnh bốt điện. Lỡ xảy ra cháy nổ thì không biết thiệt hại sẽ thế nào", bà Lan Anh lo ngại.

Ôm bốt... tử thần mưu sinh - 4

Những vật dụng dễ gây cháy nổ như xe máy được dựng ngay sát các trạm biến áp (Ảnh: Phan Minh Thảo).

Một số thợ sửa chữa điện phân tích, vào mùa hè nắng nóng, nguy cơ cháy nổ tại các trạm biến áp, bốt điện tăng cao hơn. Trong khi đó, nhiều vật dụng dễ gây ra hiện tượng truyền dẫn và phóng điện như đồ kim loại, xe điện, xe máy… vẫn được dựng cạnh các bốt điện.

"Điều 53 của Luật Điện lực năm 2004 đã quy định không được xây dựng nhà ở, công trình và trồng các loại cây cao hơn 2m trong hành lang bảo vệ an toàn trạm điện... Nhưng chúng tôi không có cách nào ngăn cản người dân bày bán hàng hóa, treo mắc đồ đạc tại các trụ, bốt điện", một thợ điện thừa nhận.

Ôm bốt... tử thần mưu sinh - 5

Một quán nước "ôm" bốt điện.

Phan Minh Thảo