Người phụ nữ 7 năm chiến đấu cùng con mong một tiếng gọi "mẹ"
(Dân trí) - Nghẹn ngào ôm con trai 7 tuổi trong tay, chị Mai Ánh Nguyệt (Long Biên, Hà Nội) không biết đến bao giờ con mới có thể cất tiếng gọi "mẹ". Chị vẫn đang nỗ lực "chiến đấu" cùng con.
Hành trình 7 năm ròng rã nuôi con bị bại não là khoảng thời gian cực nhọc và không ít nước mắt của chị Mai Ánh Nguyệt (36 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội).
Dù đã 7 tuổi nhưng bé Nguyễn Hồng Phúc - con trai của chị, giống như đứa trẻ mới 3 tháng, mọi sinh hoạt hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.
Ngày qua ngày, ẵm bồng con trên tay, cho con ăn, ru con ngủ, chị Nguyệt không biết đã rơi bao nhiêu nước mắt. Không biết bao giờ con lớn, chị tự nhủ cả cuộc đời này phải cố gắng để làm chỗ dựa cho con.
Niềm hạnh phúc biến thành nước mắt
7 năm trước, ngày hạ sinh đôi, một gái, một trai, chị Nguyệt nghẹn ngào vì hạnh phúc. Nhưng vì sinh non, chị cũng nơm nớp lo sợ những nguy cơ, rủi ro với các con.
Nhìn 2 con đỏ hỏn trong lồng kính, chị đã trút được gánh nặng trong lòng nhưng không lâu sau, khi nghe thông báo từ bác sĩ nói rằng bé trai trong cặp song sinh mắc bệnh bại não, tim người mẹ như bị bóp nghẹt. Chị không dám tin vào tai mình, cho rằng đó chỉ là sự nhầm lẫn.
Thời điểm đó, chị rơi vào khủng hoảng tâm lý vì không biết cả gia đình sẽ phải chống chọi với căn bệnh đó như thế nào. Cả gia đình lặng người mà tất cả cùng cố nén nước mắt vì sợ làm người thân suy sụp tinh thần.
Sợ ảnh hưởng đến tâm lý của các thành viên trong gia đình, chị Nguyệt chỉ dám lặng lẽ khóc giữa đêm. Chị dằn vặt bản thân rằng chính mình là nguyên nhân gây ra sự bất hạnh cho con, cho chồng và gia đình. Nỗi đau đó trở thành nỗi ám ảnh, đè nặng trái tim chị trong một khoảng thời gian dài.
Suốt 7 năm, chị chưa có một đêm nào yên giấc, nhiều lần thức trắng vì lo lắng và sợ hãi. Theo như tìm hiểu, chi phí chữa trị cho con vô cùng đắt đỏ, gia đình sẽ phải gồng gánh trong thời gian dài, có thể là cả đời.
Nhiều lúc người mẹ cảm thấy bất lực, không biết phải làm thế nào trong tương lai. Với chị, khoảng thời gian đó là những ngày không ánh sáng.
"Tôi rất sợ rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi ý thức được sự nghiêm trọng của căn bệnh đó. Thường xuyên bị stress, mệt mỏi nhưng tôi luôn tìm cách để tự cân bằng cảm xúc. Vì tôi không chỉ sống cho bản thân, mà còn vì gia đình, vì con", chị kể.
Chiến đấu để nghe tiếng gọi "mẹ" đầu tiên
Việc con trai mắc bệnh bại não là biến cố bước ngoặt đối với cả gia đình. Vợ chồng chị phải sắp xếp lại công việc, chia thời gian để cân bằng việc chăm sóc, chạy chữa cho con.
"Nhà có con nhỏ đã vất vả nhưng nhà tôi lại sinh đôi, sinh non, một cháu lại bị bệnh. Gia đình gặp khó khăn không thể kể hết được. Những khó khăn cứ nối đuôi nhau trong suốt 7 năm và cả tương lai sau này", chị ngậm ngùi.
Hành trình cùng con chữa trị là khoảng thời gian sóng gió và nhiều mệt mỏi. Thời gian đầu, chị đưa con đến bệnh viện công nhưng bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, phải sắp xếp từng bệnh nhân theo giờ.
Chính vì vậy, vợ chồng chị bấm bụng thuê kỹ thuật viên riêng, mày mò học những kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng để cùng con tập luyện. Gánh nặng về kinh tế cũng trở nên nặng nề hơn, nhưng vì con, chị và chồng có thể chấp nhận làm thêm giờ, thêm việc để kiếm đủ tiền trang trải chi phí chữa trị.
Chị gần như kiệt sức vì không thể cân bằng thời gian làm việc và chăm con. Nhiều lần, chị phải bế con đến cơ quan, đi gặp gỡ khách hàng. Nhìn giấc ngủ ngon lành của con trên tay, chị tự nhắc mình cần cố gắng nhiều hơn để có thể lo cho con chu toàn nhất.
Niềm an ủi với chị Nguyệt trên hành trình đầy nước mắt đó là mẹ con chị luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ mọi người. Nhờ có chồng bên cạnh làm chỗ dựa, chị mới có thể kiên cường và vững vàng hơn. Anh giúp đỡ chị việc nhà, chăm sóc con, tìm cơ sở trị liệu cho bé. Anh chưa bao giờ trách móc mà luôn động viên chị, làm mọi việc để giúp chị cân bằng cảm xúc.
Những ngày chị đầu tắt mặt tối, ông bà ngoại trở thành "cha mẹ thứ hai" của bé trai.
Đối với người cao tuổi, chăm trẻ bại não là một công việc khó khăn và đầy mệt mỏi, nhưng ông bà vẫn kiên nhẫn học thêm kỹ năng, cố gắng chịu đựng để giảm bớt gánh nặng đang đặt trên đôi vai con gái mình.
Không ít lần, chị Nguyệt gặp phải những ánh nhìn tò mò và những lời phán xét của mọi người. Thời gian đầu, hành động đó như những nhát dao cứa thêm vào trái tim đầy thương tổn của chị. Để giữ được tinh thần thoải mái nhất, chị Nguyệt cố học cách không suy nghĩ, không xét nét.
Chị bỏ ngoài tai những lời nói không hay để tiếp tục cùng con chiến đấu với căn bệnh. Từ một người quảng giao, chị trở nên khép kín hơn, tìm đến sự chia sẻ, hỗ trợ từ cộng đồng các gia đình có con bị bại não.
Một cộng đồng tới 4.000 thành viên mà sự đồng cảm khiến những người làm cha mẹ như chị có thêm niềm tin hơn vào cuộc sống, vững vàng hơn trên hành trình chiến đấu cùng con.
Chị Nguyệt nói, chỉ lo sợ điều tiêu cực nhất xảy ra, cũng như sau này vợ chồng chị già đi, ai sẽ là người ở bên và chăm sóc cậu con trai bé bỏng. Nhưng nhìn nụ cười tỏa nắng và đôi mắt biết nói của con, sự yêu thương của chị gái bé dành cho em trai là động lực lớn nhất với người mẹ.
Chị vẫn đang nỗ lực chiến đấu cùng con, nuôi hi vọng ngày con trai có thể gọi tiếng "mẹ" đầu tiên trong đời.
Phạm Thị Thu Thảo