Ôm 150 triệu đồng đi "chữa lành", vỡ mộng vì "đi cày" 20 giờ/ngày
(Dân trí) - Bị tổn thương nơi thành phố, Minh Anh cùng chồng con bỏ lại tất cả lên Đà Lạt chữa lành. Ngờ đâu, cô gặp phải "4 lần vỡ mộng" với hành trình "bỏ phố lên rừng"...
Quyết định "bỏ phố về rừng"
"Năm 35 tuổi, mình rơi vào khủng hoảng. Áp lực công việc gây ra suy nghĩ tiêu cực, gia đình lục đục, tài chính bất ổn, hoang mang vô định về tương lai. Thời điểm đó, mình còn không biết bản thân là ai, muốn gì, kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần…", đó là những gì Minh Anh (39 tuổi, ngụ TPHCM) miêu tả về mình thời điểm 5 năm trước.
Vốn là nhân viên lâu năm tại một công ty có tiếng ở Sài Gòn, qua nhiều năm cống hiến, Minh Anh lại bị ép phải làm đa nhiệm trong khi mức lương nhận được không xứng đáng. Điều đó khiến cô luôn trong tâm trạng bất mãn, mệt mỏi và chán nản.
Áp lực công việc tích tụ dần dần làm tâm tính cô thay đổi, trở nên nóng nảy, thường hay va chạm, cãi vã với chồng, trút giận vào con. Thậm chí, trước những áp lực cuộc sống, có thời điểm Minh Anh đã lâm vào bế tắc, trầm cảm, không biết cách nào thoát ra.
Đỉnh điểm nhất là giai đoạn suốt một tuần lễ, cứ chạy xe đến trước cửa công ty là cô bật khóc. Lần thứ 7 trong chuỗi ngày đó, đột nhiên cô bừng tỉnh, tự đặt câu hỏi: "Tại sao bản thân phải sống như vậy để cuộc đời chìm vào những nỗi oán hận và thất vọng". Thế là ngay sau đó, cô quyết định nộp đơn nghỉ việc.
"Em không thể nào sống như vậy nữa…", người phụ nữ trẻ vừa khóc vừa nói với chồng. Cô cho rằng bản thân mình cần đi một nơi khác để chữa lành, bắt đầu lại mọi thứ.
May mắn chồng cô đã ủng hộ. Anh chấp nhận từ bỏ công việc cửa hàng trưởng tại nơi làm để cùng vợ và cô con gái nhỏ 8 tuổi đi tìm chốn bình yên.
Vỡ mộng homestay
Năm 2017, cả gia đình 3 người của Minh Anh quyết định cầm số tiền tiết kiệm 150 triệu đồng lên Đà Lạt với hi vọng có thể tự làm kinh doanh.
"Mình chọn Đà Lạt vì hy vọng không khí lạnh có thể giúp đóng băng nỗi uất hận, bức bối như ngọn lửa phun trào trong lòng và cũng chờ đợi cơ hội mới vì thời điểm đó phong trào homestay đang thịnh hành".
Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên nhanh chóng ập tới khi việc tìm nhà giữa Đà Lạt thực sự là "khó như đãi vàng". Lăn lộn hơn 3 tháng mới chọn được khu vực phù hợp thì Minh Anh gặp ngay vấn đề "điên đầu" rằng phải đặt cọc 3 tháng, trả tiền thuê nhà đất trước từ 6 tháng đến 1 năm.
"Gần như là chủ thuê nào ở Đà Lạt cũng yêu cầu như vậy, mình cũng không còn cách nào khác, đành phải cắn răng theo chứ không thì chẳng biết tìm nhà tới bao giờ", Minh Anh nhớ lại.
Để có thể đóng cọc, Minh Anh dồn toàn bộ tài sản, sau đó vay thêm quỹ tín dụng 50 triệu đồng nhằm sửa homestay như ý muốn. Sau hơn một tháng bỏ công, bỏ của để sửa chữa, cuối cùng Minh Anh cũng thở phào khi homestay có thể đi vào hoạt động.
Vốn có gu thẩm mỹ tốt cùng kỹ năng quản lý ổn, homestay của Minh Anh mới kinh doanh vài tháng đã mang lại lượng khách ổn định. Tuy nhiên khi chưa kịp hoàn vốn thì chủ nhà đột ngột đòi mặt bằng trước thời hạn.
"Họ tìm cớ gây sự, đòi trả lại tiền cọc để mình dọn sớm, không chịu thì họ tìm cách gây khó dễ cho việc kinh doanh, làm ảnh hưởng tới khách" - Minh Anh kể.
Sau hàng loạt cuộc tranh cãi, gây lộn, cô đành chấp nhận thu hồi tiền cọc, ngậm ngùi dừng việc kinh doanh, bỏ lại toàn bộ tâm huyết gần cả năm trời phía sau lưng.
Vỡ mộng với công việc làm 20 giờ mỗi ngày mới đủ sống
Cả hai vợ chồng cố gắng tìm công việc khác để mưu sinh. Chồng cô xin được vị trí lễ tân cho một khách sạn, còn cô làm buồng phòng. Và đây là lúc cả hai đụng cú sốc mới mang tên "lương quá thấp".
Ở Đà Lạt, hầu như các cơ sở kinh doanh đều áp dụng mức lương chỉ 15.000 đồng cho một giờ làm việc. Lương cô và chồng cộng lại chỉ được 8 triệu đồng/tháng, trong khi đó phải trả tiền nợ tín dụng (hơn 3 triệu/tháng) và tiền thuê nhà (2 triệu/ tháng).
Với mức sinh hoạt phí khá đắt đỏ tại thành phố du lịch, cho dù đã rất tằn tiện, gia đình nhỏ vẫn không thể sống nổi. Có tháng cô không còn một xu dính túi, phải vay tiền bạn bè, người thân để có thể cầm cự qua ngày.
''May mắn là lúc ấy mình được bạn bè giúp đỡ. Trong lúc kiệt quệ, có người quen ở Hà Nội gọi hỏi "em ổn không", mình nghe xong liền bật khóc. Sau đó người đó chuyển khoản chi viện ngay 5 triệu đồng, còn bảo sau này khi nào có thì trả. Rồi bạn bè ở Đà Lạt cũng giúp đỡ, thậm chí cho từng cái tô, cái muỗng... Mình rất xúc động. Đó quả thật là ánh sáng của sự tử tế chiếu rọi chuỗi ngày đen tối của mình'' - Minh Anh nói.
Cô và chồng bắt đầu làm hai, ba công việc cùng lúc. Ngày cô làm buồng phòng, tối đến chạy bàn ở quán bar, có lúc đi bán bánh tráng nướng ở chợ đêm Đà Lạt. Có nhiều hôm vợ chồng Minh Anh phải làm việc liên tục 20 giờ trong này để đủ tiền sinh hoạt phí.
"Thời gian này mình thương nhất là con gái. Mới 9 tuổi đã phải theo mẹ đi khắp nơi, ăn ngủ vạ vật, có lúc ngủ ở ghế sofa tại sảnh khách sạn, lúc gà gật ở chợ đêm, đi bộ từ trường về nhà thui thủi một mình vì ba mẹ bận rộn không thể đưa đón được. Thương con lắm nhưng phải chấp nhận chứ biết sao bây giờ. Bây giờ chưa làm được gì mà về thì xấu hổ lắm…"
Sau 2 năm kiên trì để bám trụ ở Đà Lạt, số phận đã mỉm cười với Minh Anh. Cô tìm được công việc quản lý ở một homestay mới có mức lương khá ổn.
"Từ khi mình tiếp nhận công việc mới, với kinh nghiệm cùng sự chịu khó, không ngại làm bất cứ vị trí gì, doanh thu của homestay từ mức lèo tèo đã lên hơn một trăm triệu đồng trong suốt mấy tháng liền. Chủ homestay tin tưởng giao thêm cho vợ chồng mình quản lý một khu du lịch sinh thái mới mở. Thế là mình cho rằng đã đến lúc 'khổ tận cam lai'. Nhưng vừa hưởng được thành quả trong vài tháng, thì..."
Vỡ mộng vì "bão" Covid-19 quét qua
Covid-19 bùng phát, khu du lịch phải đóng cửa, chủ sở hữu sang nhượng lại dự án. Minh Anh lại lần nữa rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhờ chủ nhà trọ không lấy tiền thuê, được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ, được người thân dang tay giúp đỡ mà gia đình cô vẫn cầm cự được qua những tháng ngày lao đao không có thu nhập.
Cũng trong khoảng thời gian này, Minh Anh có dịp nhìn lại toàn bộ quá trình gần 3 năm ở Đà Lạt. Con đường đã rẽ sang một ngả rất khác so với định hướng ban đầu. Thứ giá trị nhất cô nhận được là rất nhiều kinh nghiệm cùng kiến thức mới.
Cô cảm thấy dù cuộc sống vẫn khó khăn nhưng có thể tạm hài lòng với sự cố gắng và trải nghiệm của bản thân, gia đình. Sau nữa, cô đã hoàn thành được việc quan trọng nhất: tìm lại chính mình, thanh lọc được sự độc hại, tiêu cực của bản thân.
"Mình nghĩ phần lớn những thay đổi tích cực đó là do được sống giữa một vùng đất có khí hậu trong lành, xung quanh là những người dễ thương, tử tế, tốt bụng, nhỏ nhẹ và lịch sự. Cả con gái mình cũng trở nên tích cực hơn. Trước đây con bé lầm lì ít nói, hay tự cô lập mình và gần như không có bạn. Giờ đây con bé cười nhiều hơn, dễ kết bạn, trưởng thành và biết tự chăm sóc bản thân khi thấy ba mẹ đi làm vất vả".
Nơi chữa lành và nơi lý tưởng để kiếm tiền
Thời kỳ "hậu Covid", ngành du lịch dè dặt mở cửa trở lại, người tìm việc đông, cạnh tranh lớn. Nguy cơ phải trở lại làm các công việc chân tay với mức lương 4 triệu/tháng khiến Minh Anh quay quắt.
May mắn thay, cô nhận được một lời mời làm việc từ người quen cũ ở Sài Gòn với mức lương rất khá. Sau khi cân nhắc, cô quyết định quay lại Sài Gòn để tìm nguồn thu nhập tốt hơn. Chồng và con cô lại "bỏ rừng về phố" cùng cô, với lời hẹn sau này nhất định cả nhà sẽ cùng nhau quay lại Đà Lạt sống tới già, khi kinh tế gia đình đã thật vững vàng.