Nơi nương náu cho phụ nữ bán dâm có nguy cơ bị xâm hại
Khu nhà nằm ở ngoại ô, bao quanh là đồi núi, ruộng đồng và dòng sông Yên. Ở đấy, ngoài không khí mát lành đáng sống mỗi ngày, những con người lầm đường lỡ bước được đón nhận hơi ấm tình người…
Cơ sở bảo trợ xã hội số 2 (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là nơi đón những phụ nữ bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục về nương náu.
Bảo vệ khẩn cấp
Sau gần một giờ chạy xe từ trung tâm thành phố, chúng tôi đến Cơ sở bảo trợ xã hội số 2. Trời hè, không khí ở đây vẫn mát lành như Đà Lạt. Ông Phan Công Hải, Phó giám đốc cơ sở dẫn chúng tôi qua những khoảng sân, mảnh vườn xanh um, tới dãy nhà cuối cùng là nơi những cô gái từng bán dâm ở.
Một tối của hơn nửa tháng trước, chị N.T (gần 50 tuổi) được công an đưa về đây sau khi bị bắt quả tang đang bán dâm. Chị T. kể, đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan 5 năm về, chị làm phiên dịch cho một cửa hàng chuyên bán đồ cho khách Trung Quốc. Dịch bệnh ập tới, chị mất việc, mãi tới đầu năm nay mới vào Đà Nẵng làm cho một quán cắt tóc nam. Công việc của chị không chỉ cắt tóc mà còn mát xa, bấm huyệt… Trong một lần khách có nhã ý, bà chủ tiệm tóc gật đầu rồi sắp xếp cho chị qua đêm cùng khách với giá mấy trăm ngàn đồng. Công an ập vào, bắt tại trận, dẫn chị lên đồn, ở đấy một ngày, sau đó mới được chuyển lên đây.
"Vào đây từ cái ly uống nước, tấm chăn, nền nhà, cái nào cũng phải sạch và gọn, em thích quá luôn. Ở đây nửa tháng rồi, em học được quá nhiều thứ, mà thứ quý nhất là chăm chút cuộc sống và quý trọng bản thân mình" - H, trải lòng.
Đêm đầu tiên trong ngôi nhà lạ lẫm, lòng chị như lửa đốt vì không biết người ta sẽ làm gì mình, sắp tới phải "lĩnh án" bao nhiêu năm… Cho tới khi được cán bộ cơ sở đưa áo quần, chỉ giường ngủ, các khu vực sinh hoạt khác, rồi những lần hỏi han trò chuyện nhẹ nhàng sau đó chị mới hiểu ra đây là nơi trú ngụ an toàn. "Lúc đó tui sợ lắm, nhưng mà mọi người ở đây ai cũng "tội", cứ trấn an tụi tui, bảo ai có gia đình bảo lãnh thì được về, không thì cứ an tâm ở lại, không lo gì cả", chị tâm sự
Ông Hải nhớ như in, không chỉ chị T., hầu hết chị em phụ nữ khi bị đưa vào đây đều rất sợ hãi, hoảng loạn. "Họ nghĩ mình là tội phạm, đã bị "bắt", chứ không nghĩ mình đang bị lạm dụng cần được bảo vệ, giúp đỡ. Chúng tôi tiếp nhận họ và đặt yếu tố "khẩn cấp" lên hàng đầu bởi họ là người yếu thế", ông nói. Các cán bộ trong cơ sở xã hội số 2 bùi ngùi, các chị em hoạt động bán dâm theo đường dây, được bảo kê, "chăn dắt". Cũng có người từng bị đánh đập, hăm dọa, thu hết tiền. Khi đưa vào mái nhà chung này, ngoài việc cho họ một nơi trú ngụ an toàn khẩn cấp, các chị em còn được khám sức khỏe, ổn định tâm lý.
Ở lại để làm lại
Giờ tư vấn tâm lý, từng chị em một được gọi ra phòng riêng, ngồi trò chuyện với các chuyên gia. Ông Lý Quỳnh Linh, Phó Trưởng Phòng Công tác xã hội nhớ hồi mới vào, không ai khai thác được thông tin gì từ các chị em, người không chịu nói, người khai man, người ngụy biện không biết chữ… Cán bộ không ép buộc, nhưng cũng không buông tay, mỗi ngày xích lại gần họ một chút để họ thấy mình đang được bảo vệ và sẻ chia. Mưa dầm thấm lâu, từ chỗ "kín như bưng", nay gần như chuyện gì cũng kể, từ bản thân, gia cảnh cho tới…cả việc hành nghề, thu nhập hàng đêm trước khi vào đây.
Vừa rời phòng tư vấn, chị Đ.H. (31 tuổi, quê Cần Thơ) vòng tay trước ngực, cúi đầu: "Thưa anh, thưa chị!". H chưa chồng, là cô gái dạn dĩ và "ngoan" nhất trong số các chị em ở đây. Thấy chúng tôi bước vào phòng ngủ, H vội giới thiệu mỗi người nằm một giường, phòng rộng rãi, lúc nào cũng sạch bóng, mát mẻ. Nói đoạn, H kéo tay tôi lại khoe "trình diễn" xếp chăn màn. H cầm tấm chăn bung căng lên rồi miết xuống sàn cẩn trọng gấp, vuốt vuông vức như trong quân ngũ. "Vào đây từ cái ly uống nước, tấm chăn, nền nhà, cái nào cũng phải sạch và gọn, em thích quá luôn. Ở đây nửa tháng rồi, em học được quá nhiều thứ, mà thứ quý nhất là chăm chút cuộc sống và quý trọng bản thân mình", H, trải lòng.
M.L (quê Quảng Trị) đứng cạnh bên chen ngang, rằng cha mẹ không còn, anh em mỗi người một nẻo, cô gần như bơ vơ vì chẳng thể nương tựa người thân khi khốn khó. Mỗi ngày T đều tự dặn mình phải kiếm tiền nuôi thân, dừng lại là thất bại. Chẳng ngờ, khi bị đưa vào đây, ngoài cơm ăn ba bữa, L còn được rèn cho lối sống kỷ luật, lành mạnh, được tiếp thu văn hóa, văn minh, phổ biến pháp luật. Điều khiến L ấm lòng nhất là nỗi mặc cảm "gái bán dâm"của mình được xoa dịu khi không ai kỳ thị, lại còn luôn được động viên phía trước ngày rộng tháng dài, bình tâm mà làm lại. Thế rồi cả phòng cùng ngồi xuống, quây quanh cô quản giáo và chúng tôi. Những câu chuyện thầm kín, những lần "nộp thuế" 30%, những lần bị bắt quả tang, những đồng tiền gửi về cho gia đình, nỗi nhớ nhà, nhớ quê…hiện ra trong cả tiếng cười và nước mắt. Ông Linh đồng cảm, rằng các chị em ở đây hầu hết học chưa xong cấp một, nhận thức thấp, có người lại do hoàn cảnh, môi trường sống, có người do tính cách nên đã bước vào con đường này.
Phía trước hành lang khu nhà ở có đặt một trạm điện thoại, mỗi người mỗi ngày được gọi một lần. Từ khi tiếp nhận, các cán bộ đã động viên chị em nếu muốn về nhà, hãy liên lạc với người thân để được bảo lãnh. Nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm để cầm máy khẩn cầu một cánh tay của người thân lúc này. Thành thử, phần lớn các chị đều ở lại đây một thời gian dài, có khi tới ba tháng như quy định. Trong thời gian đó, các chị sẽ được đào tạo nghề nấu ăn, bán hàng…Trường hợp hết thời hạn, các chị em có nhu cầu ở lại thì viết đơn tự nguyện sẽ được xem xét. "Vào đây chúng tôi vừa được chở che, vừa nhận thức được công việc lâu nay mình làm chẳng tốt đẹp gì. Lần này quay về, nhất định là về quê luôn, không bao giờ bước vào con đường lầm lỡ ấy nữa. Bởi còn phải sống vì những người thân nữa", chị T. nhận ra.