Quảng Ngãi:

Nỗi đau từ những "tử thần" ẩn mình dưới lòng đất

Quốc Triều

(Dân trí) - Sau tiếng nổ lớn của "tử thần" nằm dưới lòng đất, nhiều người vĩnh viễn mất đi khả năng lao động. Nỗi đau do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh bám lấy họ dai dẳng suốt cả phần đời còn lại.

Những câu chuyện buồn

Trong ngôi nhà cũ nằm sâu trong xóm nhỏ, nhiều năm qua, ông Phạm Đình Vàng (65 tuổi, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn ngồi lặng lẽ trên chiếc xe lăn cũ. Bầu trời trong mắt ông chỉ là khoảng không gian nhỏ bé lọt thỏm trong khung cửa sổ nơi góc nhà. Ông là nạn nhân của một tai nạn bom, mìn từ cách đây 44 năm.

Bà Lê Thị Hoa (vợ ông Vàng) vẫn nhớ như in thời điểm ông mất đi đôi chân sau tiếng nổ lớn. Đó là buổi chiều năm 1977, khi ông Vàng ra đồng lượm phế liệu kiếm tiền mua gạo.

Đang loay hoay với đống sắt vụn, bỗng có một tiếng nổ chói tai, vang động cả xóm làng. Nghe tiếng nổ, hàng xóm, người thân chạy đến nơi đã thấy ông đang quằn quại trên vũng máu, đôi chân gần như đứt lìa hoàn toàn.

Nỗi đau từ những tử thần ẩn mình dưới lòng đất - 1

Ông Phạm Đình Vàng mất đi đôi chân do tai nạn bom, mìn.

Vết thương do tai nạn bom, mìn khiến ông phải mất một thời gian dài để hồi phục. Khỏe lại, ông Vàng cố gắng làm nhiều việc phụ giúp gia đình. Được sự động viên, giúp sức của các hội, đoàn thể ở địa phương, ông Vàng tham gia tăng gia, sản xuất. Nhờ đó, ông đã nuôi được 3 người con khôn lớn, trưởng thành.

Sau nhiều năm cố gắng vươn lên trong cuộc sống, ông Vàng lại một lần nữa bị bệnh tật, những vết thương cũ hành hạ, quật ngã. Cách đây 5 năm, ông bất ngờ bị tai biến không còn đi lại được, mọi sinh hoạt phải gắn chặt với chiếc xe lăn.

Thấy cha bị mất đôi chân, lại bệnh nặng, anh Phạm Đình Thành (con trai ông Vàng) nghỉ làm công nhân, ở nhà chăm sóc cho cha. "Cha em cả đời đã chịu khổ vì mất đôi chân. Bây giờ lại bị tai biến nên chuyện sinh hoạt càng khổ hơn", anh Thành chia sẻ.

Giống như ông Vàng, ông Nguyễn Phú Dương (51 tuổi, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng bị "tử thần" cướp đi bao ước mơ của tuổi trẻ. Vụ tai nạn xảy ra khi ông vừa tròn 18 tuổi.

Đó là một buổi trưa giữa năm 1986, chàng trai Nguyễn Phú Dương khi đó đang ngồi ôn bài trước nhà thì người thân mang về đống sắt vụn. Đang lúc giúp phân loại đống phế liệu, một trái đạn phát nổ khiến chàng trai Nguyễn Phú Dương mất đi một cánh tay, đôi chân cũng bị thương tật vĩnh viễn.

Nỗi đau từ những tử thần ẩn mình dưới lòng đất - 2

Lực lượng công binh tỉnh Quảng Ngãi phát hiện, xử lý một quả bom còn sót lại sau chiến tranh.

Lúc đó, bao giấc mơ, hoài bão của tuổi trẻ bỗng chốc sụp đổ, chàng trai trẻ Nguyễn Phú Dương rơi vào tuyệt vọng. Tuy vậy, được sự động viên của gia đình cùng bạn bè, chàng trai trẻ ngày ấy cũng vượt qua nỗi đau làm lại cuộc đời.

Tới nay, ngoài việc trợ giúp gia đình những việc vừa sức, ông Dương tìm đến làm bạn với văn chương để quên đi nỗi đau dai dẳng.

"Thực sự nỗi đau thì mỗi người mỗi kiểu, không ai thay đổi được quá khứ nhưng mình phải chấp nhận nó, sống với nó… Bây giờ những di chứng vụ tai nạn vẫn đeo bám mình và chắc chắn sẽ còn theo nhiều năm nữa. Hậu quả của bom, mìn quả thật quá đáng sợ. Mong cho không ai phải chịu đựng nỗi đau như chúng tôi nữa", ông Dương tâm sự.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có trên 2.900 nạn nhân bị ảnh hưởng của bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Tai nạn do bom, mìn khiến nạn nhân mất sức lao động, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Chung tay chăm sóc

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Danh - Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, tai nạn do bom, mìn khiến nhiều người tàn tật, mất sức lao động. Điều này dẫn đến cuộc sống của họ khá khó khăn. Do đó, Hội luôn quan tâm hỗ trợ cho những trường hợp này.

Tính từ năm 2018 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp hỗ trợ phương tiện sinh kế cho trên 50 hộ. Cùng với đó là tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho nạn nhân của bom, mìn.

Nỗi đau từ những tử thần ẩn mình dưới lòng đất - 3

Nạn nhân của bom, mìn tại Quảng Ngãi được khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí.

Việc hỗ trợ cho nạn nhân bom, mìn đã được đẩy mạnh tuy nhiên nguồn lực vẫn còn hạn chế. Đời sống của nhiều nạn nhân bom, mìn vẫn còn khó khăn, cần được tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ.

Diện tích bị ô nhiễm bom, mìn tại Quảng Ngãi còn khá lớn, do đó nguy cơ tai nạn từ bom, mìn vẫn còn rất cao. Vì vậy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp thực hiện các chương trình truyền thông phòng tránh và giảm thiểu tác hại của bom, mìn.  Gần đây nhất là phối hợp với Văn phòng điều phối dự án "Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh" (dự án RENEW)  tổ chức chương trình truyền thông giảm thiểu tác hại của bom mìn năm 2021.

Theo ông Danh, dự án RENEW sẽ triển khai các hoạt động truyền thông tại các trường học, khu dân cư khu vực ô nhiễm bom, mìn. Thông qua các buổi sinh hoạt, các em được tham gia trò chơi, các hoạt động tìm hiểu về tác hại của bom, mìn thông qua các hình thức sân khấu hóa… nhằm giáo dục cho học sinh về sự nguy hiểm của bom, mìn và cách phòng tránh.

"Hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng dự án RENEW tăng cường truyền thông về mức độ nguy hiểm của những vật liệu nổ, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Cùng với đó sẽ huy động nhiều nguồn lực tiếp tục hỗ trợ phương tiện sinh kế phù hợp cho người dân bị thương do tai nạn bom mìn để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống", ông Danh cho biết.