1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nỗi đau của người mẹ khóc thương con đến hỏng mắt

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Người khuyết tật, yếu thế đã khó khăn thì người khiếm thị mất đi ánh sáng càng khổ hơn. Quan tâm đến đối tượng này không chỉ bằng trách nhiệm, nghĩa vụ mà phải bằng cả cái tâm.

Mất con, mẹ mất luôn ánh sáng 

Gần 20 năm sống trong bóng tối là một khoảng thời gian khá dài mà bà Nguyễn Kim Phượng (59 tuổi, ngụ tại xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã và đang trải qua.

"Con trai cô bị bệnh ung thư, mất khi mới 18 tuổi. Cô quá thương con, khóc đến ảnh hưởng đôi mắt", bà Phượng nói về lý do trở thành người khiếm thị lúc 40 tuổi.

Con trai đầu mất, còn lại con trai thứ hai. Lúc đó, gia cảnh nghèo khó, vợ chồng chia tay, bà Phượng một mình vất vả nuôi con.

"Tôi ra ngoài buôn rau, làm ăn để nuôi con. Một hôm đang cân rau cải thì thấy mắt mờ, tôi đi khám thì bác sĩ nói đã bị hư một mắt bên trái, còn mắt bên phải bị viêm giác mạc cấp tính, mổ xong về nhà khoảng một tháng thì hết thấy đường luôn", bà Phượng nhớ lại.

Nỗi đau của người mẹ khóc thương con đến hỏng mắt  - 1

Bà Nguyễn Kim Phượng (giữa) đã có gần 20 năm sống trong bóng tối (Ảnh: Huỳnh Hải).

Không còn ánh sáng, hơn 13 năm, bà Phượng ở nhà nhờ chị em bà con lo hỗ trợ để tiếp cuộc sống. Đến năm 53 tuổi, nhờ người quen giới thiệu, bà Phượng xin vào Hội người mù tỉnh Bạc Liêu ở, đến giờ cũng đã 6 năm.

"Vào đây cô thấy thoải mái lắm, được nhà nước chăm lo, còn được học nghề để vừa khuây khỏa thời gian vừa kiếm thêm thu nhập cho mình", bà Phượng tâm sự.

Người phụ nữ đã có gần 20 năm mất đi ánh sáng chia sẻ, đôi mắt không còn thấy đường, cảm thấy bứt rứt, buồn bã lắm. Khi chưa hỏng mắt còn có thể lo làm ăn, giờ không nhìn được thì cũng không suy nghĩ làm gì nữa.

Nỗi đau của người mẹ khóc thương con đến hỏng mắt  - 2

Chị Trần Phi Yến (34 tuổi) trở thành người khiếm thị khi mới 7 tuổi (Ảnh: Huỳnh Hải).

Chỉ mới 34 tuổi nhưng chị Trần Phi Yến (ngụ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã bị khiếm thị 27 năm.

Chị Yến kể, khi chị sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến tuổi đi học, chị học được gần 2 năm, lúc 7 tuổi bỗng dưng mắt bị mờ dần, không thấy rõ chữ. Khi đi khám bệnh, bác sĩ nói chị bị teo dây thần kinh mắt, khiến đôi mắt sau đó không còn thấy đường.

Hơn 27 năm qua, chị Yến nói sống không có ánh sáng buồn lắm, bất tiện trong sinh hoạt, không còn được vui chơi như bạn bè. Chị chỉ quanh quẩn ở nhà, lâu lâu vào Hội người mù tỉnh Bạc Liêu để sinh hoạt.

"Em cũng mong muốn học một cái nghề có thể lo cho bản thân nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên trước mắt em chưa thực hiện được", chị Yến buồn bã.

Từ bản thân mình, chị Yến nói nếu còn thấy ánh sáng, cuộc sống, dự định, tương lai sẽ tốt hơn rất nhiều. Chị nhắn nhủ, dù bất cứ lý do gì, những người còn lành lặn hãy quan tâm, giữ gìn đôi mắt cho sáng khỏe, đừng để trở thành người khiếm thị như chị mới hối tiếc thì quá muộn.

Chăm lo người yếu thế bằng cả tấm lòng

Khi đến thăm Hội người mù tỉnh Bạc Liêu mới đây, bà Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh, thời gian qua nghị lực của nhiều người khiếm thị đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ là "tàn nhưng không phế".

Ngoài việc tự chăm lo bản thân, người khiếm thị còn có học nghề, làm việc có thu nhập để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội, ổn định cuộc sống.

"Người khuyết tật, yếu thế đã khó khăn thì người khiếm thị mất đi ánh sáng càng khó khăn hơn. Bản thân của người khiếm thị nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng rất đáng ghi nhận, biểu dương", bà Ái Nam bày tỏ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu mong muốn Hội người mù của tỉnh tiếp tục duy trì tuyên truyền giáo dục cho người khiếm thị có ý chí tự vươn lên, vượt qua khó khăn, có lao động, cống hiến cho bản thân, gia đình, xã hội.

Nỗi đau của người mẹ khóc thương con đến hỏng mắt  - 3

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu nhắc cán bộ, đảng viên, sở, ngành, địa phương quan tâm chăm lo người khiếm thị không chỉ là trách nhiệm mà còn phải bằng cả cái tâm (Ảnh: Huỳnh Hải).

Lãnh đạo tỉnh ủy yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu thường xuyên chăm lo, tạo điều kiện cho người khiếm thị có cuộc sống tốt hơn. Bà Ái Nam lưu ý, không chỉ để người khiếm thị chỉ làm nghề bấm huyệt, massage mà nghiên cứu dạy thêm nghề khác để phát huy khả năng, khi mắt không thấy nhưng tay, chân có thể làm nghề thủ công mỹ nghệ như xâu chuỗi, đan đát…

"Như thế để người khiếm thị có việc làm, phấn khởi khi thấy mình làm được việc cho bản thân, có thu nhập và có ích cho xã hội", bà Ái Nam gợi ý.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng nhắc sở LĐ-TB&XH rà soát lại công tác của cán bộ làm lĩnh vực lao động xã hội, chính sách trên tinh thần không chỉ thực hiện đúng chính sách mà còn đối với người yếu thế phải bằng cái tâm, đặc biệt trong đối nhân xử thế giao tiếp ứng xử.

"Rất mong cán bộ, đảng viên, sở, ngành, địa phương của tỉnh quan tâm đối tượng bảo trợ xã hội, yếu thế, trong đó có người khiếm thị không chỉ bằng trách nhiệm, nghĩa vụ mà phải bằng cả cái tâm, tấm lòng của mình. Sự chăm lo như thế sẽ chu đáo hơn, thiết thực hơn, để làm sao không ai bị bỏ lại phía sau", bà Lê Thị Ái Nam chia sẻ.