1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nỗi ám ảnh về thứ bùa ngải "đồ độc" khiến những mạng người bị bức tử

Quốc Triều

(Dân trí) - Trong làng có người đau ốm, hay vật nuôi chết, người vùng cao Quảng Ngãi sẽ nghĩ đến "cầm đồ thuốc độc". Từ đó, người bị nghi có "đồ độc" sẽ bị xa lánh, thậm chí bị giết chết.

Người ốm, gà vịt chết do "cầm đồ thuốc độc"?

Nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" là một hủ tục mê tín dị đoan, lạc hậu của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Trong suy nghĩ của người đồng bào vùng cao, "đồ độc" là một hỗn hợp gồm đất lấy từ mộ của người chết, xương động vật, mẻ ché, mẻ chén, lông trâu… được trộn lẫn và gói thành miếng nhỏ.

Nỗi ám ảnh về thứ bùa ngải đồ độc khiến những mạng người bị bức tử - 1

Hiện trường vụ Phạm Văn Soi đánh chết ông Phạm Văn Lối vì nghi "cầm đồ thuốc độc" (Ảnh: Nguyễn Sự).

Mọi người tin rằng "đồ độc" như một loại bùa ngải đã được phù phép, có quyền năng lớn, có thể trừ ma quỷ, bệnh tật, nhưng cũng có thể gây bệnh tật, giết người, vật nuôi. Vì vậy, khi trong làng có người đau ốm, hoặc vật nuôi chết hàng loạt là người làng sinh hiềm nghi, nghĩ bị "cầm đồ thuốc độc".

Sự nghi kỵ kiểu vậy dẫn đến việc nhiều người bị xa lánh, đánh đập, thậm chí bị giết chết.

Khoảng 3 năm trước, cha của Phạm Văn Soi (huyện Ba Tơ) đau ốm rồi qua đời. Sau khi chôn cất cha xong, Soi nảy sinh suy nghĩ gia đình mình bị "cầm đồ thuốc độc". Nỗi nghi ngờ cứ lớn dần khiến Soi ra tay sát hại một người cùng làng.

Hôm đó, Soi cùng 2 người bạn rủ ông Phạm Văn Lối đến nhà uống rượu. Trong cơn say, Soi nói ông Lối đã "cầm đồ thuốc độc" làm cha của mình chết. Bị vu oan, ông Lối cự cãi rồi xô xát với Soi sau đó bỏ về.

Xích mích tưởng dừng lại ở đó, thế nhưng Soi vẫn không chịu bỏ qua. Trên đường về, ông Lối bị Soi và 2 người bạn cùng làng chặn đánh. Soi đã dùng dao chém nhiều nhát khiến ông Lối tử vong tại chỗ.

Với hành vi này, Phạm Văn Soi phải chịu mức án 20 năm tù, 2 người bạn của Soi lần lượt nhận 14 năm tù và 12 năm tù về tội Giết người.

Nhiều người bị nghi "cầm đồ thuốc độc" sẽ bị đánh đập, do đó họ rất lo sợ. Có người phải bỏ trốn vào rừng sâu sinh sống.

Sau hơn 20 năm sống trong rừng sâu, vợ chồng bà Phạm Thị Nở (huyện Ba Tơ) đã được đưa trở về làng.

Bà Nở cho biết, hồi đó gà, vịt trong làng chết nhiều. Thế là cả làng đổ cho bà "cầm đồ thuốc độc". Chẳng may ai trong làng đau ốm, qua đời, dân làng cũng kéo đến đánh đập vợ chồng bà. Có lần bà bị đánh gãy tay, gãy chân. Lo sợ, vợ chồng bà Phạm Thị Nở đưa nhau vào rừng sâu sinh sống suốt 20 năm.

"Sau này công an, cán bộ xã tuyên truyền cho người làng hiểu, họ không còn nghi ngờ, chúng tôi mới dám về làng", bà Nở gạt nước mắt kể.

Đẩy lùi hủ tục 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã, 8 thôn thuộc 5 huyện miền núi, 3 huyện đồng bằng. Toàn tỉnh có 54.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người H're, Cor, Ca dong.

Đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Một bộ phận có trình độ dân trí thấp. Do đó, một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong tiềm thức của người dân, đặc biệt là hủ tục nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc".

Hủ tục này diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng của đồng bào dân tộc thiểu số và tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.

Trước thực trạng trên, năm 2014, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc".

Sau 10 năm triển khai, chỉ thị của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân.

Chính quyền vùng cao đã kịp thời phát hiện những vụ việc có dấu hiệu mâu thuẫn, liên quan đến nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" để tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn ngay tại cơ sở.

Nỗi ám ảnh về thứ bùa ngải đồ độc khiến những mạng người bị bức tử - 2

Lực lượng công an đến tận những thôn, làng xa xôi để tuyên truyền, ngăn chặn những hủ tục (Ảnh: Nguyễn Sự).

Đặc biệt, khi xảy ra vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", lực lượng công an các cấp tập trung bám địa bàn, nắm chắc vụ việc. Từ đó tham mưu cho cấp thẩm quyền thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức giải quyết nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản người bị nghi, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của người dân.

Nhờ đó, hủ tục nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" đã giảm đáng kể. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi xảy ra 57 vụ nghi "cầm đồ thuốc độc". Tuy nhiên, chính quyền các cấp đã giải quyết thông qua công tác vận động, hòa giải được 55 vụ. Chỉ có 2 vụ bị khởi tố hình sự với 5 bị can.

Theo ông Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi, việc ngăn chặn, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" là một nhiệm vụ chính trị quan trọng lâu dài.

Do đó, thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi gắn với thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tỉnh Quảng Ngãi xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mê tín dị đoan. Trên cơ sở đó phân tích rõ tác hại của tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" tiến tới xóa bỏ hủ tục này.