Nỗ lực hội nhập quốc tế về lĩnh vực lao động và xã hội
(Dân trí) - Sáng ngày 24/11, tại Hà Nội, Hội thảo “Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Nhiều thách thức trong bối cảnh mới
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, lĩnh vực lao động và xã hội, trên cơ sở Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế như các công ước quốc tế về lao động, việc làm, phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em,…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, hội nhập quốc tế về lao động và xã hội ngày càng mở rộng về phạm vi, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức. Vấn đề nghèo đói và an sinh xã hội cũng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 13,7% năm 2008 xuống còn khoảng dưới 4% vào năm 2019.
Thời gian qua, thế giới đã trải qua nhiều thay đổi to lớn như, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Xu hướng già hóa vẫn tiếp tục diễn ra một cách tự nhiên, đòi hỏi những thay đổi về chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội. Đại dịch Covid-19 đã làm cho thế giới phải nhìn nhận lại cách tiếp cận trong giải quyết nhiều vấn đề.
Trước những thách thức trong bối cảnh mới, Thứ trưởng đề nghị, các đơn vị trực thuộc ngành lao động cần đánh giá nghiêm túc những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội, tiếp tục xem xét bổ sung, điều chỉnh kế hoạch trong thời gian tới, đảm bảo các hoạt động hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế phù hợp với tình hình mới.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc Tế đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của các địa phương trong việc xây dựng báo cáo về Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, chất lượng báo cáo từ các địa phương không cao.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho rằng, hội nhập quốc tế là việc tham gia vào quá trình xây dựng các công ước. Để có một khuôn khổ pháp lý, theo vụ trưởng cần nội luật hóa những cam kết quốc tế thành luật pháp của Việt Nam. Ngoài ra khi tham gia hội nhập quốc tế cần tăng cường năng lực hợp tác và cả năng lực đấu tranh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, khi Việt Nam hội nhập quốc tế cần nắm được xu thế của thế giới và thời đại, không chỉ là tăng cường về mặt kinh tế, hỗ trợ mà hội nhập còn liên quan tới các quyền của phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật...
Còn nhiều khó khăn
Báo cáo tại hội thảo, bà Cao Thị Thanh Thuỷ, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu và có những thuận lợi như: Hơn 150 đối tác song phương, đa phương, phi chính phủ trong lĩnh vực lao động xã hội, hơn 200 văn bản hợp tác dưới các hình thức khác nhau...
Ngoài ra, việc thiết lập được cơ chế chỉ đạo, điều phối các hoạt động hội nhập quốc tế về lao động và xã hội giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương; cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát các hoạt động hội nhập.
Song, việc thực hiện chiến lược vẫn gặp nhiều khó khăn như: Ngân sách nhà nước được bố trí trong kinh phí hàng năm của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương chưa đủ để thực hiện; nguồn nhân lực luân chuyển, trình độ, số lượng chưa đủ, thiếu cán bộ biết ngoại ngữ...
Tại buổi hội thảo, ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là những lao động bắt buộc phải về nước như: Lao động bị tai nạn lao động, lao động có thai, lao động bị mắc bệnh... mà không có những chuyến bay đưa lao động về nước”.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Đặng Sỹ Dũng cho rằng, Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi mới được Quốc hội thông qua ngày 13/11 vừa qua đang từng bước tạo môi trường minh bạch, đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giảm chi phí và bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động.