Nỗ lực hỗ trợ người nghèo, yếu thế tiếp cận chính sách pháp luật
(Dân trí) - Trong 4 năm qua, trên 310.000 vụ việc mà người dân cần trợ giúp pháp lý nhưng gặp nhiều rào cản. Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 đang nỗ lực để xóa bỏ những rào cản đó…
Ngày 28/9, Oxfam tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Tổng kết các kết quả và kinh nghiệm thực hiện truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân và cộng đồng".
Đây là một đề án được Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (Quỹ JIFF) do phái đoàn Liên minh Châu Âu tài trợ, hướng tới việc tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp cho các nhóm yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo ở Việt Nam.
Gần 10 triệu người tiếp cận thông tin pháp luật
Theo Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp, từ năm 2016 đến năm 2020, toàn quốc có 310.081 vụ việc cần trợ giúp pháp lý đã được thống kê, và con số này tăng lên từng năm. Nhiều rào cản về kinh tế, xã hội và văn hóa đang khiến các nhóm yếu thế khó tiếp cận các dịch vụ mà họ được hưởng theo luật.
Bên cạnh vai trò và trách nhiệm của nhà nước thì việc huy động được nguồn lực, kinh nghiệm và sự tham gia từ các tổ chức xã hội ngoài nhà nước trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là vô cùng quan trọng.
Tại hội thảo, Trưởng phòng Phổ biến Pháp luật Bộ Tư pháp Tô Thị Thu Hà nêu một số kết quả hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, tập trung vào đối tượng yếu thế để họ nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân của mình.
Về mô hình nâng cao hiệu quả hoạt động này, bà Hà nhấn mạnh về nguyên lý Pareto (80:20) - dành 80% nguồn lực xã hội để phục vụ cho 20% các đối tượng thuộc nhóm dễ tổn thương, nhóm yếu thế.
Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đồng thời xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng các sửa đổi căn cơ dễ dàng hơn.
Nữ trưởng phòng cũng nhận định, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin qua mạng xã hội phát huy hiệu quả qua việc chủ trương chính sách và thông tin pháp luật đến người dân cơ sở. Mô hình thi tìm hiểu pháp luật có ý nghĩa quan trọng với bối cảnh hiện nay.
Báo cáo tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc Đinh Xuân Thắng đánh giá về hiệu quả của chương trình. Chương trình đã ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới với nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền.
Nội dung phổ biến pháp luật thiết thực, hiệu quả, từng bước đáp ứng được yêu cầu thực tế, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng ý thức, lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Hoạt động cũng đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Gần 10 triệu người đã được tiếp cận thông tin các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp; Bộ Luật dân sự, Bộ Luật hình sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Lâm nghiệp… để kịp thời cung cấp thông tin pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và người dân.
Tại cấp xã, chính quyền đã xây dựng và duy trì 11 mô hình phổ biến giáo dục pháp luật để nắm tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chấp hành pháp luật tại địa bàn, nhất là tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống mua, bán người, phòng chống ma túy.
Các mô hình trên với các thành viên chủ chốt tham gia (50-70 người/mô hình) là đồng bào các dân tộc cư trú trên địa bàn và cán bộ, công chức, viên chức, đại diện đoàn thể cơ sở, hòa giải viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, người có uy tín, người sản xuất giỏi, già làng, trưởng thôn, bản...
Tăng cường xã hội hóa
Phó Vụ trưởng Đinh Xuân Thắng cho biết, do đó, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tích hợp vào dự án 10 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
Tổng kết hội thảo, Phó giám đốc Quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam, ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh, nâng cao nhận thức pháp luật là vấn đề luôn được nhà nước quan tâm. Nhà nước hiện cũng có nhiều chương trình khác nhau để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, đặc biệt tập trung vào các nhóm yếu thế.
Cơ quan tham vấn chính sách khuyến cáo, để nâng cao hiệu quả hoạt động này, cần xác định được nhu cầu của người dân thông qua tổ chức khảo sát đánh giá nhu cầu người dân; Lựa chọn các phương pháp truyền tải thông tin người dân lựa chọn để xác định nội dung, thiết kế cách tiếp cận đến người dân.
Quán triệt cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo hướng phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ sở, tổ chức phi chính phủ để tăng cao nguồn lực, cần quán triệt để có hiệu quả ngay tức thời với các đối tượng đặc thù thông qua hệ thống những người có uy tín ở trên địa bàn với chung ngôn ngữ, văn hóa để tăng hiệu quả, đa dạng hóa cách thức để tăng độ tiếp cận.
Nguyên tắc chung là nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động này nhưng cần thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, cần được xã hội hóa và tạo cơ chế thuận lợi để đồng hành với nhà nước.