Những trận đấu không còn tiếng súng
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành nuôi dưỡng và điều trị cho thương, bệnh binh nặng tập trung có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất, trực thuộc Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Với gần 60 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận và phục vụ điều trị cho hơn 1.000 thương, bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, quê tính từ Thừa Thiên Huế ra Bắc.
Hiện nay, trung tâm còn 93 thương binh nặng. Những ngày trái gió trở trời, cơn đau hành hạ, những người lính năm xưa lại như một lần nữa lâm trận, một trận đấu dai dẳng bào mòn xương tủy... Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với họ, cuộc chiến vẫn ám ảnh và để lại hậu quả cho đến tận hôm nay.
Những ngày cuối năm, khi đợt không khí lạnh tăng cường, miền Bắc trở nên rét tê tái, chúng tôi đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Tôi đi cùng đoàn là các bác, các cô, các chị, các bạn nữ ở khắp miền đất nước mang áo bu-dông, áo len cho những thương, bệnh binh ở đây.
Chị Phạm Thị Thoa - trưởng đoàn bảo: "Thương các bác lắm, mấy năm nay năm nào đoàn cũng về đây, các bác bệnh binh thì có tuổi, bệnh tật giày vò, mỗi năm lại mất đi vài ba người. Có lần tới, một bác bảo: "Cả đời chúng tôi ngồi trên xe lăn, quanh quẩn ở trung tâm này, không đi đâu, không biết phở Hà Nội mùi vị nó ra làm sao. Và, chúng tôi cũng chưa một lần được xem nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn trên sân khấu...". Vậy là, năm sau, theo lời hẹn ước, các bác gái đã mang "đồ nghề" lên trung tâm để trổ tài nấu phở Hà Nội. Những tô phở nóng hổi và ấm tình người...
Năm đấy thấy Thoa về kể chuyện, ca sĩ Ưng Anh Tuấn (Trưởng đoàn nghệ thuật của Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội) không khỏi sụt sùi, anh nói: "Các bác đi chiến trường từ thời còn trẻ, không tiếc xương máu cống hiến cho Tổ quốc để ngày nay đất nước được thanh bình, không tiếng súng, các bác thích nghe ca sĩ hát, chuyện này cứ để mình lo".
Vậy là những năm sau, ca sĩ Ưng Anh Tuấn đã vận động thêm ca sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ và NSƯT Hoàng Tùng (Nhà hát Cải lương Việt Nam) cùng dàn âm thanh chuẩn để hát miễn phí phục vụ các thương, bệnh binh ở trung tâm.
Biết có đoàn văn công Hà Nội về, mặc dù trời đang rất rét, mưa phùn lất phất nhưng các bác đã ngồi xe lăn đến từ sớm. Bác Nguyễn Văn Học năm nay 65 tuổi, quê ở cách đây 30 km. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, 18 tuổi, bác tòng quân ở Trung đoàn địa phương 199, thuộc Sư đoàn 347 lên huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Nhập ngũ được hơn năm thì trúng đạn.
Bác Học sống tại trung tâm đã gần 50 năm, chứng kiến biết bao số phận khác nhau và những phận người ra đi trong thương nhớ. "Tội lắm cháu à, các bác ở đây cứ mỗi năm lại thêm một vài người tuổi cao sức yếu mất đi. Những năm tháng chiến tranh, thanh niên lên đường nhập ngũ ở tuổi mười tám, đôi mươi, vào chiến dịch được 1-2 năm thì bị thương. Những viên đạn xuyên qua xương, hay găm vào người, đã được lấy ra mà di chứng vẫn còn đó. Những ngày trái gió trở trời buốt phát sốt, phát rét...".
Cũng nhờ có thời kì các cấp chính quyền động viên, khuyến khích phụ nữ ở nông trường gần trung tâm đến tìm hiểu và lập gia đình với các thương, bệnh binh, bác cũng có được vợ. Nhưng, cũng có những đồng đội bị thương nặng hơn, ảnh hưởng đến cột sống, mất đi khả năng đàn ông, các bác ấy bảo: "Không mang được hạnh phúc đến cho phụ nữ thì không nên lấy, làm khổ người ta". Vì vậy, có đến 20% nam thương binh ở đây không lập gia đình.
Ngày đó, trung tâm còn nhiều khó khăn, mỗi căn phòng 4-5 thương binh ở cùng nhau. Nhưng, đến khi có thương binh nào kết hôn sẽ được ưu tiên một căn phòng riêng, gọi là phòng hạnh phúc. Nhờ căn phòng hạnh phúc, biết bao đứa trẻ được sinh ra, sau này trưởng thành, nhiều người trở thành thạc sĩ, tiến sĩ.
Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết: Sau một thời gian an dưỡng, điều trị, y tá, nhân viên chăm sóc, đại đa số thương binh đã ổn định vết thương, phục hồi một phần sức khỏe và chức năng lao động. Số này đã được đơn vị làm công tác bàn giao, chuyển về an dưỡng ở gia đình.
Đến nay, trung tâm chỉ còn đang chăm sóc, nuôi dưỡng điều trị 93 thương binh. Đại đa số là tỉ lệ thương tật rất nặng, 81-100%. Trong số 93 thương binh có 1 người từ kháng chiến chống Pháp. Có 5 nữ trong tổng số 93 thương binh.
Bác Đỗ Văn Trà, người huyện Khoái Châu, Hưng Yên, năm nay 80 tuổi, bị thương ở chiến trường Tây Nam. Nhà có 6 anh chị em, thì 4 người đi bộ đội. 18 tuổi mới học xong lớp 10, bác Trà lên đường đi chiến đấu ở chiến trường Tây Nam rồi bị thương khi cùng đồng đội tiến vào giải phóng Phnompenh. Viên đạn từ trên cao bắn xuống đã khiến ông ngã quỵ, máu xối ra và ngất lịm. Khi tỉnh dậy, ông đã thấy mình nằm trong Viện Quân y 121 của Quân khu 9 tại Cần Thơ. Mối tình với cô y tá tại Viện Quân y chớm nở ngày đó không thành vì sau đó, chiến sĩ Trà được đưa ra điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, ít lâu sau cô gái đó cũng ra theo. Nhưng, ngày đó, việc lấy nhau xa là cả một vấn đề, hai bên gia đình đều không đồng ý. Cuộc tình đẹp như trăng sao rồi cũng tan theo gió mây.
Đến giờ bác đã có gia đình và 2 con. Bác Trà kể: "Tôi lấy vợ do Đoàn Thanh niên của xã đến thăm thương binh vào ngày 27/7. Vợ tôi nằm trong số đó. Rồi nên duyên vợ chồng. Vợ tôi lần lượt sinh cho tôi 2 người con, chúng lớn lên trong căn phòng ở trung tâm này, đến khi học xong, đi làm thì ở riêng. Hiện nay trung tâm chỉ còn những người già sinh sống và bác sĩ, điều dưỡng".
Thời gian rửa trôi nhiều thứ và thời gian cũng đong đầy những kỉ niệm, bác Trà rưng rưng nói: "Khi có tuổi, người ta vẫn hay nghĩ nhiều về quá khứ, chúng tôi sống ở trong này, ngày đó, thời bao cấp, làm gì có doanh nghiệp như bây giờ, cũng chỉ các hợp tác xã và bà con làm nông. Những gia đình nông dân đấy ra ao bắt được con cua, con ốc, con cá, con tép, hay con gà, con vịt ở nhà đẻ được quả trứng là người ta lại chạy vào cho. Lắm khi là quả chuối, quả bưởi, quả cam, quả táo, cây ở vườn nhà vừa chín... Tình người mới giản dị và ấm áp làm sao".
Những chiếc xe lăn nối đuôi nhau kéo vào căn phòng rộng để chuẩn bị thưởng thức tiết mục văn nghệ do các nghệ sĩ đến từ thành phố. Bác Trà cất giọng buồn rầu bảo: "Các bác đây còn may mắn chứ một số anh em khác vào đây bị thương tật nặng, không lập được gia đình, cả đời đơn độc, thương lắm, cháu ạ".
Trong 5 bác gái thương binh, 3 người có gia đình, còn lại 2 bác do thương tật quá nặng nên không thể làm vợ. Bác Trần Thị Hồng quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) cụt cả hai cánh tay nhưng đôi chân lành lặn. Thời con gái, bác tham gia mở đường Trường Sơn từ năm 1965. Trong những năm tháng ấy, bác yêu một anh bộ đội cùng quê và hai người đã thề nguyền ước hẹn. Tết năm 1968, trên đường Trường Sơn, trong lúc đang làm nhiệm vụ, cô nữ thanh niên xung phong mở đường quả cảm bị thương bởi bom B-52, đứt lìa hai cánh tay. Anh bộ đội Cụ Hồ ấy khi biết tin người yêu mình bị thương nặng đã xin đơn vị về thăm người yêu và xin cưới. Một năm sau, khi vết thương ở hai cánh tay không còn rỉ máu, họ làm đám cưới dưới ánh trăng và gió rừng giữa sự chứng kiến của đồng đội, gia đình.
Năm 1970, nữ thương binh Trần Thị Hồng ra Bắc, vào trung tâm thương, bệnh binh này để điều trị, chồng chị vẫn ở miền Nam chiến đấu. Ngày đất nước giải phóng, anh vẫn công tác trong đó. Cảnh chồng Nam vợ Bắc được 10 năm. Đến khi nữ thương binh tuổi gần 40 mà chồng cũng ngoài 40 tuổi, anh xin ra Bắc để ở hẳn với chị trong trung tâm. Anh nói với giám đốc trung tâm rằng anh yêu vợ, anh không muốn xa vợ, mong trung tâm tạo điều kiện thuận lợi để anh hoàn thành tâm nguyện. Bắt đầu từ năm 1980, anh sống cùng chị trong căn phòng nhỏ trung tâm dành cho anh chị. Nữ bệnh nhân được Nhà nước trợ cấp hằng tháng tiền ăn ở, thuốc thang.
Để trở thành người có ích, anh ở đây hằng ngày làm nghề sửa xe cho thương, bệnh binh. Họ sống cùng nhau được 40 năm, cách đây 3 năm, anh mất do tuổi cao sức yếu. Hai cậu con trai chị Hồng nay đều là thạc sĩ, sống ở Bắc Ninh. Chính tại cái nôi thương, bệnh binh tỉnh Thuận Thành này, biết bao đứa trẻ đã lớn lên, trở thành người có ích cho xã hội. Kỉ niệm về một tuổi thơ nhiều khác biệt trong trại thương, bệnh binh ở vùng quê đất Kinh Bắc ấm áp nghĩa tình đã đi theo những đứa trẻ cho đến mãi sau này.
Bác Mai Thị Hường, quê Hà Tĩnh, năm nay 80 tuổi, đi mở đường Trường Sơn và bị thương nặng, về đây từ năm 1970. Sống ở đây hơn nửa thế kỉ, chứng kiến biết bao thân phận con người, mỗi người một cảnh ngộ khác nhau, bác bảo: "Ông trời cho ta cái gì thì ta nhận cái đó, suốt cuộc đời tôi chỉ có một mình, tôi không biết cảm giác làm vợ, làm mẹ nó như thế nào. Lắm khi cũng buồn, cũng tủi thân, rồi khóc tấm tức một mình. Nhưng rồi, nước mắt vơi cạn dần, tôi chấp nhận số phận cuộc đời tôi. Dù sao, tôi cũng may mắn hơn những đồng đội đã hi sinh, là còn giữ được mạng sống, chứng kiến cảnh đất nước thay da đổi thịt, càng ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn".
Bác Nguyễn Thị Thoa (73 tuổi) người nhỏ bé, ngồi trên chiếc xe lăn nói với sang: "Buồn lắm cháu ạ, nhà bác ở ngay phường Thượng Thanh, quận Long Biên, bên Hà Nội. Nhà có mấy chị em gái. Trước đây thì chị em gái hay đi thăm nhau, nhưng giờ có tuổi rồi, mỗi lần đi lại khó khăn nên chị gái bác ít sang thăm được nữa. Mỗi lần đi lại lích kích, tốn tiền thuê xe cộ".
Bác Thoa tuổi chưa quá cao nhưng ốm yếu, dáng vẻ gầy gò vẹo vọ. Giữa tiết trời giá lạnh, có cảm giác bác như một chiếc lá vàng mong manh trên cây khô mùa Đông. Bác ho lên từng đợt. Cuối câu chuyện, bác thở dài rồi bảo: "Ngày còn trẻ thì cũng muốn lập gia đình đấy, vì tuổi trẻ thích bay nhảy, thích lãng mạn, thích có người quan tâm. Nhưng, do thương tật nặng quá, hỏng cả cột sống lẫn xương đùi nên có nhiều đàn ông đến, tôi đều phải từ chối. Lúc đầu cũng buồn lắm, đêm đến úp mặt vào gối khóc, nhưng sau rồi quen dần, trái tim được tôi luyện cũng chai sạn đi, dạn dĩ dần. Sau này, đến khi tuổi già sầm sập kéo đến mới thấy, ôi chao, sao cuộc đời thật ngắn ngủi. Bây giờ tôi an yên, chấp nhận số phận, sống đến khi nào duyên trần chấm dứt, đất gọi là đi...".
Cứ như vậy, mỗi người một số phận, một cuộc đời. Họ đã sống như thế, gắn bó hàng chục năm, hàng nửa thế kỉ trong ngôi nhà chung. Mái ấm tình thương này như quê hương thứ hai của họ, vùng đất xứ Thuận Thành - Kinh Bắc.
Trần Mỹ Hiền