Những quy định liên quan đến kỳ nghỉ Tết người lao động cần biết
(Dân trí) - Ngoài tiền lương, thưởng Tết, nhiều quy định liên quan đến việc có được tạm ứng tiền lương trước khi nghỉ Tết hay không, lương làm thêm ngày Tết được tính thế nào... người lao động cần lưu ý.
Được nghỉ Tết 7 ngày
Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 từ thứ năm (8/2/2024) đến hết thứ tư (ngày 14/2/2024).
Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ Tết và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần, theo quy định tại Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.
Bộ LĐ-TB&XH khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức. Người sử dụng lao động phải thông báo phương án nghỉ Tết Nguyên đán cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán hoặc nghỉ lễ Quốc khánh thì người sử dụng lao động bố trí nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần cho người lao động vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.
Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 lưu ý bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ tổ chức, nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng nêu trên có thể lựa chọn 1 trong 3 phương án nghỉ Tết.
Phương án 1: Nghỉ Tết Nguyên đán 2024 gồm 1 ngày cuối năm Quý Mão và 4 ngày đầu năm Giáp Thìn. Với phương án này, người lao động nghỉ Tết từ ngày 9/2/2024 đến hết ngày 15/2/2024 (tức ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng).
Phương án 2: Nghỉ Tết Nguyên đán 2024 gồm 2 ngày cuối năm Quý Mão và 3 ngày đầu năm Giáp Thìn. Với phương án này, người lao động nghỉ Tết giống như cán bộ, công chức viên chức, từ ngày 8/2/2024 đến ngày 14/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng).
Phương án 3: Nghỉ Tết Nguyên đán 2024 gồm 3 ngày cuối năm Quý Mão và 2 ngày đầu năm Giáp Thìn. Nếu người sử dụng lao động chọn phương án này, người lao động được nghỉ từ ngày 7/2/2024 đến ngày 13/2/2024 (tức ngày 28 tháng Chạp đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng).
Để tạo thuận lợi cho người lao động trong việc sắp xếp thời gian nghỉ Tết, cũng như lựa chọn đăng ký lịch nghỉ, lịch làm thêm giờ dịp Tết, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp thông báo sớm phương án nghỉ Tết được lựa chọn làm lịch nghỉ Tết năm 2024 cho người lao động.
Thưởng Tết không phải là khoản bắt buộc
Sau mỗi năm làm việc và cống hiến, khoản thưởng Tết cuối năm luôn được người lao động mong ngóng. Hiện nay, các doanh nghiệp đã công bố mức lương, thưởng cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành này không quy định về trách nhiệm thưởng Tết. Việc thưởng Tết hay không tùy thuộc vào quy chế thưởng của đơn vị.
Dù vậy, Bộ luật Lao động khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. Trong điều kiện cho phép doanh nghiệp có thể cân nhắc có thêm khoản thưởng Tết để tri ân sự cống hiến cũng như hỗ trợ một phần khó khăn cho người lao động khi mất việc vào thời điểm cận Tết.
Lương làm thêm giờ ngày lễ, Tết được tính thế nào?
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn sử dụng người lao động làm thêm giờ vào ngày Tết phải được sự đồng ý của người lao động (trừ một số trường hợp công ty được điều động làm thêm giờ mà không cần người lao động đồng ý quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019).
Về mức lương làm thêm giờ, theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm dịp Tết Nguyên đán vào ban ngày được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày (tổng cộng là 400%).
Trường hợp làm thêm vào ban đêm được trả ít nhất bằng mức tiền lương làm thêm ban ngày + tiền lương trả thêm khi làm vào ban đêm + tiền lương trả thêm khi làm thêm giờ vào ban đêm của ngày nghỉ lễ.
Phần tiền làm thêm của người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, người lao động đi làm vào ngày nghỉ của dịp Tết Nguyên đán 2024 được trả số tiền lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Đồng thời, nếu người lao động làm việc vào ban đêm và làm thêm giờ vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương + 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.
Người lao động có được tạm ứng lương trước khi nghỉ Tết?
Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được ứng trước lương trong một số trường hợp như tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc, để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên, nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Như vậy, người lao động được thỏa thuận với người sử dụng lao động ứng trước lương để nghỉ Tết mà không bị tính lãi.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 97, Điều 101 và khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, mức tiền tạm ứng tiền lương sẽ theo từng trường hợp tạm ứng.
Cụ thể, tối đa 1 tháng tiền lương trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên; khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ khi người lao động nghỉ hằng năm.
Dựa trên khối lượng công việc đã làm trong tháng đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán; 50% tiền lương khi người lao động bị tạm đình chỉ.
Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận thì mức tiền tạm ứng sẽ được thực hiện dựa trên ý chí của người lao động và người sử dụng lao động. Pháp luật không quy định cụ thể mức tiền lương tạm ứng tối đa.
Tạm ứng tiền lương là việc người lao động nhận tiền lương của mình trước thời hạn, không phải là khoản tiền vay nên sẽ không phải chịu bất kỳ lãi suất nào.
Mức tiền lương tạm ứng sẽ dựa trên đề xuất của người lao động, và các yếu tố khác như mức lương hiện hưởng, hoàn cảnh, công việc, thời gian làm việc tại công ty của từng người. Nếu ứng lương trước Tết, người lao động có thể đề xuất tạm ứng lương từ 30%, 50%, 70%, 100%...