Những pha thoát chết không tưởng của trẻ và lời cảnh tỉnh với người lớn
(Dân trí) - Nhiều trường hợp trẻ em may mắn thoát chết chỉ trong gang tấc như hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm, ý thức của bậc làm cha, mẹ trong phòng, tránh tai nạn giao thông ở trẻ.
Thót tim trước những cảnh hút chết của trẻ
Mới đây, một đoạn clip dài 30 giây được camera an ninh ghi lại cảnh cháu bé khoảng 10 tuổi đang đi trên vỉa hè thì bất ngờ chạy ngang qua đường. Đúng lúc này có một chiếc ô tô con từ phía xa lao tới với tốc độ cao.
Trước tình huống bất ngờ, tài xế xe ô tô con đã đánh lái để né tránh. Cú đánh lái tài tình của tài xế đã cứu cháu bé thoát khỏi vụ tai nạn thương tâm.
Đoạn clip đã khiến cộng đồng mạng được một phen thót tim khi xem. Nhiều người xem đã dành "cơn mưa" lời khen cho tài xế với tình huống xử lý "thần sầu".
"Quả bẻ lái quá tuyệt vời, chúc tài xế thượng lộ bình an", bạn Mạnh Đức bình luận; "Quá tuyệt vời, bác tài cứu sống một mạng người", bạn Nguyễn Bá Xuân chia sẻ.
Bên cạnh đó, không ít người đưa ra ý kiến về việc nhiều cháu bé mặc dù đã ở độ tuổi được phổ biến pháp luật về an toàn giao thông nhưng vẫn bất cẩn dẫn đến các tình huống tai nạn hy hữu.
"Lần sau đi cẩn thận nghe con trai, không phải bác tài nào cũng tốt vậy đâu", bạn Hoàng Xuyến bình luận; "Cảnh báo, tuổi đó cũng phải lên 10 rồi mà vẫn dại, tí nữa vừa oan cho người ta vừa thiệt mạng", bạn Nguyễn Hà đưa quan điểm.
Trước đó không lâu, mạng xã hội cũng đăng tải một clip ghi lại cảnh một cháu bé chừng 2 tuổi đứng trước ngõ chơi một mình. Đúng lúc này chiếc xe tải đi tới, do khuất tầm nhìn nên cháu bé đã bị xe tải cuốn vào gầm. Rất may, tài xế xe tải đã nhanh chóng phát hiện và đạp phanh dừng xe, cháu bé từ trong gầm bò ra.
Đoạn clip đã khiến nhiều người đứng tim khi xem, nhiều người cho rằng cháu bé đã may mắn thoát chết. "Phúc tổ 70 đời, may mắn cho cháu bé", bạn Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp trẻ em đối diện với tai nạn và may mắn thoát chết. Nhưng những tình huống trên như một hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm, ý thức của bậc làm cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, truyền đạt các kiến thức về phòng, tránh tai nạn giao thông đối với trẻ nhỏ.
Theo ông Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, hiện nay tại Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em có nhà ở ven các đường giao thông.
"Trường hợp các cháu chạy sang đường gây tai nạn thường xảy ra ở các tuyến đường không có giải phân cách. Cũng nhiều trường hợp, người lớn trông trẻ dưới 5 tuổi nhưng do mải mê với công việc nên không để ý đến con. Do chưa có nhận thức được, nên khi thấy gì ngoài đường thu hút là các cháu bò ra, tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào", ông Linh cho biết.
Nguyên nhân chủ yếu do ý thức và hiểu biết giao thông của trẻ em còn thấp, đồng thời còn do trách nhiệm của phụ huynh còn chưa cao nên dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm.
Cũng theo ông Linh, nhiều trường hợp xảy ra rất bất ngờ, như các cháu nhỏ chạy qua đường để sang nhà người quen, hay thích thú một thứ gì đó bên đường… từ đó các cháu có những hành động bộc phát và phản xạ tự nhiên rồi chạy sang đường. Đúng lúc này các phương tiện đang lưu thông không kịp xử lý sẽ dẫn đến tai nạn đau lòng.
Trong nhiều năm qua, để giảm thiểu tai nạn giao thông ở trẻ em, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thường xuyên tích cực phối hợp với lực lượng CSGT, gia đình và nhà trường để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đối với trẻ em và học sinh tại các trường học.
"Gia đình, nhà trường và xã hội là ba yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với trẻ em. Đối với các cháu bậc tiểu học trở lên, nếu vi phạm trật tự an toàn giao thông thì sẽ có thêm hình thức cảnh cáo bằng việc gắn với xếp loại hạnh kiểm để các cháu ý thức hơn nữa khi tham gia giao thông", ông Linh chia sẻ thêm.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm thường do nhận thức của trẻ về an toàn giao thông chưa cao. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khách quan đó là ý thức của người lớn đã bất cẩn trong việc phòng, tránh tai nạn giao thông đối với trẻ em.