Những cánh chim hòa bình ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9
(Dân trí) - Đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, các thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh dịu lòng khi nhìn đàn bồ câu - biểu tượng của hòa bình bay liệng, ríu rít kiếm mồi.
Nhiều năm qua, thân nhân liệt sĩ, người dân và cựu chiến binh khắp mọi miền tổ quốc đến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, tỉnh Quảng Trị luôn thấy ấn tượng và ngỡ ngàng khi gặp cảnh hàng trăm cánh chim bồ câu sà xuống khu vực hành lễ.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9 hiện là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của khoảng 10.600 phần mộ liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào vì nhiệm vụ quốc tế…
Chia sẻ về ý tưởng nuôi bồ câu tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, ông Nguyễn Văn Quản - Phó Ban quản lý nghĩa trang và đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị cho biết, trong một lần tham quan tại Công viên Hòa Bình ở Đà Nẵng, nhận thấy việc nuôi bồ câu ở đây rất ấn tượng nên Ban quản lý nghĩa trang đề xuất với lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh lập đề án nuôi bồ câu. Sau đó, Ban quản lý nghĩa trang đã tổ chức nuôi, huấn luyện bồ câu, vận động các cơ quan, tổ chức hảo tâm tài trợ kinh phí mua hơn 100 con bồ câu để nuôi ở nghĩa trang.
Ban đầu, đơn vị phải thuê chuyên gia để huấn luyện bồ câu. Khi các đoàn khách đến viếng tại nghĩa trang thì đánh chuông, nghe tín hiệu thì đàn bồ câu sà xuống. Mất mấy tháng tập luyện, đến khi chim thành thạo mới trao kinh nghiệm lại cho nhân viên.
"Ban quản lý nghĩa trang đã duy trì việc nuôi bồ câu từ năm 2016 đến nay. Chim bồ câu thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình, độc lập tự do. Chính vì vậy, mỗi khi các thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh khắp mọi miền đến viếng các liệt sĩ, nhìn thấy hình ảnh bồ câu sẽ cảm thấy gần gũi, ấm áp hơn", ông Quản nói.
Theo cán bộ quản trang, nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9 là nơi yên nghỉ chủ yếu của bộ đội giải phóng và chuyên gia Việt Nam hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế. Các thế hệ trước đã chiến đấu vì hòa bình, nên việc nuôi bồ câu cũng hàm ý chuyển tải thông điệp hòa bình đến với bạn bè quốc tế.
Nhiều năm làm nhiệm vụ tại Ban quản lý nghĩa trang, ông Nguyễn Minh Đoàn cho biết, ban đầu nhân viên quản trang sử dụng chuông để tập luyện bồ câu. Nhưng về sau, nhận thấy việc sử dụng chuông không phù hợp nên chuyển sang sử dụng còi hiệu.
Để chim quen với tiếng còi, các nhân viên phải tập luyện thuần thục. Mỗi lần thổi còi, kèm theo việc rải thức ăn nên chim bay đến. Hiện nay, mỗi khi nghe tiếng còi là hàng trăm cánh bồ câu bay liệng ở khu vực hành lễ, hình ảnh đó rất ấn tượng.
Trước khi tổ chức cho đoàn khách từ tỉnh Thái Nguyên vào dâng hương tri ân các liệt sĩ, ông Đoàn thổi hồi còi, lập tức đàn bồ câu bay xuống khu vực hành lễ, tạo nên sự gần gũi nhưng hết sức trang nghiêm.
"Nhiều thân nhân liệt sĩ đến chứng kiến đàn bồ câu hiện diện ở khu vực hành lễ, có cảm giác ấm áp và linh thiêng. Qua đó, thấy trân trọng, biết ơn các thế hệ cha anh đã cống hiến xương máu vì nền hòa bình, độc lập dân tộc", ông Đoàn chia sẻ.
Để duy trì đàn bồ câu ở nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, các nhân viên Ban quản lý nghĩa trang thay nhau chăm sóc, huấn luyện đàn chim mỗi ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây do bị một số loài vật khác tấn công khiến đàn chim bị tổn thương, số lượng ít hơn so với trước.
Anh Trần Đình Thiệu bày tỏ: "Mỗi lần đến tri ân liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9 tôi rất bất ngờ khi thấy những cánh bồ câu bay liệng trong không gian tâm linh. Chim bồ câu mang ý nghĩa, biểu tượng của hòa bình, do đó nhắc nhở các thế hệ sau ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh vì nền hòa bình".
Ông Nguyễn Văn Quản cho biết, sắp tới Ban quản lý nghĩa trang sẽ đầu tư nuôi thêm khoảng 100 con bồ câu để tăng số lượng và huấn luyện chim để khi người dân và thân nhân liệt sĩ đến viếng tại nghĩa trang luôn thấy hình ảnh bồ câu hiện diện. Để làm được việc ý nghĩa này cũng cần sự chung tay của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội.