Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất Bạc Liêu
(Dân trí) - Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, tỉnh Bạc Liêu có hơn 2.000 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 12.000 liệt sĩ, hơn 6.000 thương binh và nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tan, mất người thân, nhiều phụ nữ đã mất đi người chồng, người con thân yêu.
Trong đó, Bạc Liêu có hơn 2.000 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Theo Ban Tuyên giáo Bạc Liêu, để lưu giữ lại hình ảnh, tư liệu về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã xây dựng quyển sách "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bạc Liêu" tập 1, với 536 mẹ (xuất bản năm 2004) và nay tiếp tục ban hành tập 2, với 1.493 mẹ.
Trong tập 2, có những người mẹ có từ 2 - 3 con là liệt sĩ, có chồng và con cùng là liệt sĩ, hay chỉ có duy nhất một người con là liệt sĩ.
Điển hình là câu chuyện về mẹ Thái Thị Muồi. Mẹ sinh năm 1913, trong một gia đình trung nông ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Năm 18 tuổi, mẹ lập gia đình với người địa phương và sinh được 6 người con.
Chứng kiến những cảnh ngang tàng, bạo ngược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, mẹ đã quyết tâm cho các con lên đường nhập ngũ.
Rồi lần lượt, 3 người con của mẹ đã hy sinh: Liệt sĩ Trần Văn Đực hy sinh năm 1966, liệt sĩ Trần Văn Sen hy sinh năm 1969 và liệt sĩ Trần Văn Hết hy sinh năm 1974.
Mẹ Thái Thị Muồi mất năm 2004, được cháu ngoại phụng thờ ở TP Bạc Liêu. Năm 2014, mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Mẹ Trương Thị Hai (SN 1900, quê huyện Phước Long) xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mẹ lập gia đình và sinh được 6 người con. Với tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng, mẹ đã động viên các con tham gia cách mạng.
Và 2 người con của mẹ đã lần lượt hy sinh là liệt sĩ Trần Văn Hiệp (hy sinh năm 1946) và liệt sĩ Trần Việt Khoa (hy sinh năm 1967).
Con hy sinh, mẹ nuốt nước mắt vào lòng, nén nỗi đau thương. Mẹ lại tiếp tục nuôi dạy các cháu trưởng thành. Các cháu của mẹ theo bước cha chú lên đường chống Mỹ cứu nước và lần lượt 4 người cháu nội của mẹ cũng hy sinh.
Mẹ Trương Thị Hai đã mất năm 1984. Ghi nhận công lao to lớn của mẹ đối với Tổ quốc, Nhà nước đã truy tặng mẹ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2007.
Là người con thứ hai trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 18 tuổi, mẹ Nguyễn Thị Điền (SN 1934, quê TP Bạc Liêu) lập gia đình với ông Nguyễn Văn Hồng và sinh được 6 người con. Gia đình khó khăn nhưng mẹ đã cố gắng thu xếp cuộc sống gia đình để chồng, con yên tâm tham gia cách mạng.
Chồng của mẹ là ông Nguyễn Văn Hồng đã hy sinh vào năm 1968. Hai con của mẹ là Nguyễn Văn Dũng hy sinh năm 1972 và Nguyễn Văn Hai hy sinh năm 1974. Cả chồng và 2 con đều trở thành liệt sĩ.
Chồng và con hy sinh đã để lại nỗi đau vô cùng to lớn trong lòng mẹ Điền. Từ ngày hòa bình lập lại, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mẹ đã vượt qua và nuôi dạy con cháu trưởng thành, làm người có ích cho cộng đồng, xã hội.
Mẹ Nguyễn Thị Điền được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 1999. Hiện nay, mẹ được vợ chồng người con gái út phụng dưỡng ở TP Bạc Liêu.
Vào năm 20 tuổi, mẹ Triệu Thị Kin (SN 1922, quê TP Bạc Liêu) lập gia đình và sinh được một người con trai. Vì cuộc sống khó khăn, lại trong thời chiến tranh nên không may mẹ mất sớm vào năm 1953, khi chỉ mới 31 tuổi.
Người con trai duy nhất của mẹ là anh Nguyễn Văn Đức khi trưởng thành đã tham gia cách mạng tại địa phương, Sau đó, anh được điều vào bộ đội đặc khu và đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, được công nhận là liệt sĩ.
Mẹ Triệu Thị Kin được Nhà nước đã tặng thưởng Huy chương Độc lập hạng Ba và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 1994.
Tỉnh ủy Bạc Liêu vừa tổ chức trao tặng sách "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bạc Liêu" đến các mẹ còn sống, thân nhân gia đình các mẹ và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Tạ Trung Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bạc Liêu, hình ảnh, tư liệu trong quyển sách "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, nhằm phát huy truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đồng thời, quyển sách còn mang ý nghĩa là sổ vàng ghi tạc ơn sâu, tri ân và tôn vinh sự hy sinh cao cả của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(Trong bài có sử dụng tư liệu trong quyển sách "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bạc Liêu" tập 2).