Nhiều thanh thiếu niên ngộ nhận đồng tình luyến ái là bệnh
(Dân trí) - Khảo sát 187 thanh thiếu niên tại TPHCM cho thấy nhiều người hiểu sai về một số nội dung cơ bản về giới. Khoảng một nửa thanh thiếu niên được hỏi nhận định "đồng tính luyến ái là bệnh".
Hiểu sai những kiến thức cơ bản
Ngày 12/12, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết dự án "Tiếng nói cầu vồng - Giới và vấn đề bình đẳng giới trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên". Dự án do tổ chức Save the Children International (SCI) phối hợp triển khai.
Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, trong năm 2024, dự án đã thực hiện 10 hoạt động lớn, tập trung vào việc tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giới và vấn đề bình đẳng giới trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên.
Đặc biệt, dự án còn triển khai một cuộc khảo sát, thu thập ý kiến của trẻ em và thanh thiếu niên nhằm đánh giá nhận thức về giới và vấn đề bình đẳng giới trong các hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em.
Đại diện nhóm khảo sát, tiến sĩ Vũ Văn Hiệu cho biết kết quả khảo sát cho thấy nhận thức của thanh thiếu niên về giới, bình đẳng giới và đa dạng giới rất hạn chế, có sự lẫn lộn giữa giới và giới tính.
Kết quả khảo sát ở 187 thanh thiếu niên cho thấy có đến 102 trẻ chưa từng biết đến đa dạng giới, 92 trẻ không biết về định kiến giới và 72 trẻ không hiểu về xu hướng tính dục.
Đặc biệt, thanh thiếu niên còn nhiều ngộ nhận, hiểu sai về một số nội dung liên quan đến giới, bình đẳng giới và đa dạng giới.
Có những kiến thức cơ bản nhưng các em vẫn hiểu sai như 57,6% nam thanh thiếu niên và 39,4% nữ thanh thiếu niên nhận định "đồng tính luyến ái là bệnh".
Chính vì sự nhầm lẫn ấy mà những trường hợp đa dạng giới, trẻ có xu hướng tính dục đồng giới thường bị bạn bè xung quanh kỳ thị, hoặc bản thân trẻ kỳ thị chính mình.
Ngoài khảo sát trên, dự án còn thành lập các nhóm nghiên cứu rà soát các quy định về chính sách và pháp luật tại Việt Nam liên quan đến vấn đề giới và bình đẳng giới. Từ đó, làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp trong triển khai các chương trình hỗ trợ trẻ em.
Đại diện nhóm nghiên cứu, thạc sĩ Nguyễn Bích Phương, đánh giá lĩnh vực này còn khoảng trống chính sách rất lớn khiến việc thực thi các quy định pháp luật gặp nhiều khó khăn.
Từ quá trình nghiên cứu đồng bộ trên, dự án tiến hành soạn thảo cẩm nang bình đẳng giới và đa dạng giới trong triển khai các chương trình hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên.
Nội dung cẩm nang hướng dẫn mọi người kỹ năng tiếp cận; những hiểu nhầm về giới, xu hướng tính dục; kiến thức pháp lý liên quan đến lĩnh vực này và cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em, thanh thiếu niên tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận.
Cần tuyên truyền sâu rộng trong nhà trường
Một thầy giáo cộng đồng LGBT (cộng đồng những người có giới tính đặc biệt) tham gia dự án cho biết, hiện nhiều trẻ ngay từ lớp 6, lớp 7 đã bộc lộ xu hướng giới tính của mình thuộc cộng đồng LGBT.
Các em thường tìm hiểu kiến thức liên quan từ internet, không được sự chia sẻ, định hướng từ gia đình, thầy cô nên có xu hướng không dám công khai, nếu công khai dễ bị bạn bè xa lánh, hoặc chính em tự kỳ thị bản thân và khép kín.
Do đó, ông đề nghị dự án nên triển khai mạnh hơn tại các trường học, có cách phổ biến cẩm nang trên rộng rãi, giúp mọi người hiểu rõ hơn về giới và đa dạng giới, không còn những định kiến sai lầm khiến người thuộc cộng đồng LGBT không dám công khai xu hướng giới tính thực của mình.
Chị Mia, một thành viên cộng đồng LGBT, cũng đề nghị đưa nhiều hoạt động của dự án, phổ biến cẩm nang bình đẳng giới và đa dạng giới đến trường học để cải thiện hiểu biết của cộng đồng về LGBT, đa dạng giới.
Chị đề nghị chia thành 2 nhóm là thanh thiếu niên nói chung và thanh thiếu niên LGBT nói riêng để có hoạt động, nội dung tuyên truyền cho phù hợp. Đặc biệt là các nội dung định hướng đúng đắn cho cộng đồng thanh thiếu niên LGBT về lòng tự trọng, tôn trọng bản thân và trân trọng gia đình.
Theo chị Mia, hiện những thanh thiếu niên thuộc cộng đồng này thường không được tiếp xúc kiến thức giới tính, đa dạng giới một cách chính thống mà tìm hiểu qua mạng xã hội, internet. Họ thường có xu hướng kỳ thị bản thân, có hành vi tự hủy hoại và những việc làm có nguy cơ gây hại cho họ trong tương lai.
Do đó, chị Mia đánh giá những hoạt động của dự án vô cùng có ý nghĩa. Bởi giúp cộng đồng nhận thức đúng về giới và đa dạng giới rất quan trọng để họ cảm thông với những người thuộc cộng đồng LGBT.
Đồng thời, giúp thanh thiếu niên cộng đồng LGBT nhận thức đúng về giới và đa dạng giới càng quan trọng hơn để họ hiểu giá trị bản thân, trân trọng mình và biết cách vươn lên, vượt qua mặc cảm giới tính mà sống, phấn đấu vì gia đình và xã hội.
Ông Lữ Gia, đại diện SCI, cho biết: "Dự án này đã được SCI triển khai ở Cần Thơ, An Giang nhưng đây là lần đầu tiên đưa dự án về triển khai ở thành phố lớn như TPHCM. Nói về đa dạng giới là không mới tại TPHCM nhưng lồng ghép vấn đề này ở khía cạnh hỗ trợ trẻ em là rất mới".
Theo ông, vấn đề khó khăn nhất khi triển khai, mở rộng dự án là việc xác nhận trẻ em, thanh thiếu niên là LGBT rất khó. Nếu đề cập đến vấn đề này, rất dễ nhận sự phản đối của cha mẹ, nhà trường.