1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Nhiều lao động thất nghiệp chưa gắn bó với chính sách học nghề

Quốc Triều

(Dân trí) - Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được hỗ trợ kinh phí học nghề. Tuy nhiên tại Quảng Ngãi, số lao động thất nghiệp thụ hưởng chính sách này còn khiêm tốn.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng trăm doanh nghiệp tại Quảng Ngãi buộc phải cắt giảm nhân sự khiến người lao động thất nghiệp tăng cao.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi, tính từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có trên 9.000 hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi nhận hồ sơ, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) đều đã giải thích đầy đủ các quyền lợi người lao động được thụ hưởng.

Trong đó, có chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp học nghề. Tuy nhiên, chỉ mới có 3 người trong số lao động thất nghiệp đăng ký học nghề.

Nhiều lao động thất nghiệp chưa gắn bó với chính sách học nghề - 1

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại Quảng Ngãi, chỉ có 3 lao động mất việc làm đăng ký học nghề miễn phí.

Sau nhiều năm làm việc cho một doanh nghiệp điện tử tại khu công nghiệp Tịnh Phong, anh Đ.Q.C. (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa) vừa mất việc do công ty cắt giảm nhân sự.

Như hàng nghìn lao động khác, anh Đ.Q.C. nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp để có kinh phí trang trải trong thời gian không có việc làm.

Tại Trung tâm DVVL, anh Đ.Q.C. được tư vấn, định hướng chính sách đào tạo nghề. Tuy nhiên, anh Đ.Q.C. đã từ chối tham gia học nghề. 

Trước đây, anh Đ.Q.C. đã học nghề điện tử điện lạnh. Sau thời gian làm việc tại doanh nghiệp, tay nghề của anh được nâng cao hơn. Do đó, anh mong muốn tìm việc mới đúng ngành nghề đã thuần thục.

Theo anh Đ.Q.C., việc học nghề mới sẽ mất nhiều thời gian, người lao động hầu như phải làm lại từ đầu. Mặt khác, chính sách này chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, các khoản phát sinh khác thì lao động phải tự chi trả.  

"Tôi đã có nghề rồi, giờ chỉ muốn tìm việc làm đúng như ngành nghề được đào tạo. Chỉ mất vài tháng là có thể tìm được việc làm mới. Nếu đi học nghề khác phải làm lại từ đầu, thời gian kéo dài, trong khi chưa chắc sẽ tìm được việc làm, mức lương khá hơn nghề hiện tại", anh Đ.Q.C. chia sẻ.

Không chỉ anh Đ.Q.C. mà nhiều lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Quảng Ngãi cũng nghĩ như thế. Chính vì vậy, số lao động thất nghiệp thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí chỉ "đếm trên đầu ngón tay".

Nhiều lao động thất nghiệp chưa gắn bó với chính sách học nghề - 2

Kể từ ngày 15/5, mức hỗ trợ người lao động mất việc làm có nhu cầu học nghề tăng từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng.

Theo ông Đỗ Tiến Tân - Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Ngãi - nguyên nhân của thực trạng này do người thất nghiệp phần đông là lao động phổ thông, đời sống còn nhiều khó khăn.

Khi mất việc làm, những lao động này chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp để giải quyết khó khăn trước mắt. Đồng thời, người lao động mong muốn tìm việc làm ngay với những công việc mà họ đã thông thạo để sớm ổn định cuộc sống.

Theo ông Tân, để cải thiện tình trạng này, Trung tâm DVVL tỉnh cần tăng cường tư vấn trực tiếp cho người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời sẽ thông tin thêm những điểm mới trong dạy nghề cho lao động thất nghiệp.

"Tuy nhiên, quan trọng nhất là người lao động phải chủ động tìm hiểu, tận dụng cơ hội đào tạo nghề miễn phí để học một nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ rất có lợi cho người lao động trước khi quay lại tham gia vào thị trường lao động", ông Tân nói.

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quyết định này, từ ngày 15/5, người lao động mất việc làm được tăng chi phí hỗ trợ học nghề từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng.

Với người học nghề dưới 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tiền học phí trường nghề và thời gian học thực tế, tối đa không quá 4,5 triệu đồng/khóa.

Với người học từ 3 - 6 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/tháng.

Việc chia gói học nghề sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động. Đối với lao động muốn tìm việc làm sớm sẽ chọn khóa đào tạo ngắn, những người muốn đào tạo chuyên sâu hơn sẽ chọn khóa học dưới 6 tháng.