Nhiều điểm mới về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Phạm Công

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết, hỗ trợ ăn thêm ngày lễ, tết đối với người có công với cách mạng.

Sáng ngày 16/4, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng các Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020.

Hội nghị nhằm xin ý kiến đóng góp để hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, để trình Chính phủ vào tháng 5/2021.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Bá Hoan dự và chủ trì hội nghị.

Nhiều điểm mới về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng - 1

Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan chủ trì Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, cho biết: "Theo nội dung công văn số 2408/VPCP-KGVX, Bộ LĐ-TB&XH được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng 2 dự thảo Nghị định về quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng".

Đến nay, dự thảo 2 nghị định cơ bản được thống nhất về bố cục và rà soát, chỉnh lý  hoàn thiện các nội dung liên quan đến công tác xác nhận người có công và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một số chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, trong quá trình xây dựng pháp lệnh đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết. Với một Nghị định nhiều nội dung quan trọng, cần bố trí, sắp xếp một cách khoa học, nếu không trong quá trình thực hiện rất mất thời gian và bất cập.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị đến ngày 20/4, các Bộ, ngành đưa ra những kiến nghị cụ thể liên quan đến 2 dự thảo Nghị định. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, theo dõi và đưa ra những ý kiến tiếp tục hoàn thiện. Tổ chức lấy ý kiến của địa phương, người dân và tất cả các tầng lớp xã hội.

Nhiều điểm mới về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng - 2

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công nêu ra một số điểm mới đối với dự thảo Nghị định.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), nêu ra một số điểm mới tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết pháp lệnh như quy định, định lượng các khái niệm "đặc biệt dũng cảm", "lan tỏa rộng rãi", quy trình xem xét xác nhận một số diện đối tượng người có công thuộc thẩm quyền quản lý của quân đội, công an, điều kiện hưởng trợ cấp đối với con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.

Dự thảo nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng có một số điểm mới, như: Quy định các mức trợ cấp ưu đãi mỗi năm một lần, trợ cấp ưu đãi được xác định theo mức chuẩn, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết, hỗ trợ ăn thêm ngày lễ, tết đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh B, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương có thể từ 81% trở lên…

Nhiều điểm mới về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng - 3

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Thương binh liệt sĩ (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Thương binh liệt sỹ, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), đề xuất: "Về mục thương binh và bệnh binh trong dự thảo, chưa có quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương và cấp giấy chứng nhận bệnh tật. Để có căn cứ cấp giấy chứng nhận thương binh và bệnh binh và có căn cứ để lập hồ sơ thì cần bổ sung thẩm quyền này".

Ngoài ra, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần bổ sung về quy định giải quyết chính sách đối với các đồng chí đang làm việc ở nước ngoài. Đơn cử, các đồng chí đang làm công tác gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, trong trường hợp bị bắt, bị tù giam, cần có chính sách giải quyết phù hợp.

"Thực tế từ đầu những năm 2000, nhiều đồng chí đề nghị truy lĩnh chứng nhận thương tật do chưa kịp cấp sổ thương binh hoặc thất lạc, chưa giải quyết thủ tục khi giải ngũ, được công nhận nhưng chưa được hưởng chế độ vậy đề nghị đưa vào Nghị định để có hướng giải quyết" Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.

Về vấn đề liên quan đến tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và cung cấp thông tin, xác định danh tính Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần tách riêng phần tìm kiếm và xác định danh tính để có thể cụ thể hơn trong công tác giải quyết chính sách.