Nhiều cách làm hay chống xâm hại tình dục, bảo vệ trẻ em ở nông thôn

Hạnh Linh

(Dân trí) - Mở hòm thư góp ý, làm rào chắn ở ao, cắm biển cảnh báo nơi nguy hiểm đang là cách làm hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn, chống xâm hại tình dục ở phụ nữ, trẻ em tại các làng quê Thanh Hóa.

Được bảo vệ, viết thư trải lòng về những điều thầm kín

Chị Trịnh Thị Hương (thôn Kim Phú, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) là thành viên của mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em". Tham gia mô hình, chị Hương được các thành viên trong nhóm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục; hướng dẫn làm rào chắn, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em.

Chị Hương cho biết, mỗi tháng, các thành viên trong mô hình tổ chức sinh hoạt 1 lần. Từ khi tham gia mô hình, chị hiểu hơn về những vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tệ nạn mua bán người, suy dinh dưỡng đối với trẻ em; cách bảo vệ con trước bạo lực gia đình, bạo lực học đường.

Nhiều cách làm hay chống xâm hại tình dục, bảo vệ trẻ em ở nông thôn - 1

Chị Hương hướng dẫn con trai học bài (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Nguyễn Thị Phúc, chi Hội trưởng hội Phụ nữ thôn Kim Phú, xã Trường Sơn, cho biết, mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" thôn Kim Phú được thành lập tháng 5/2020 với 50 thành viên. Mô hình hoạt động nhằm bảo vệ, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Trong kỳ sinh hoạt, bên cạnh nội dung chính là tuyên truyền về cách phòng, chống xâm hại tình dục ở phụ nữ, trẻ em, cách bảo vệ trẻ em trước bạo lực, ban điều hành còn lồng ghép, thực hiện các mô hình khác, như "Nhà sạch, vườn đẹp", "Nhóm cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ thơ", "Chi hội phụ nữ kiểu mẫu 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới",…

Đặc biệt, mô hình trang bị hòm thư góp ý, đặt tại nhà văn hóa thôn, được mở định kỳ 1 tuần/lần. Thông qua hòm thư các thành viên, bà con nhân dân, trẻ em sẽ trải lòng những điều "thầm kín", khó nói. Qua đó, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em tại cộng đồng.

"Chúng tôi nhận được nhiều thư nêu nguyện vọng được sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; mong muốn mô hình chia sẻ chế độ dinh dưỡng để chăm sóc trẻ, chia sẻ cách phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại tình dục ở trẻ em,… Ban điều hành tập hợp những ý kiến đó, gửi lên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và đưa ra bàn bạc trong các buổi sinh hoạt", bà Phúc nói.

Nhiều cách làm hay chống xâm hại tình dục, bảo vệ trẻ em ở nông thôn - 2

Hòm thư góp ý của mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" tại thôn Kim Phú, xã Trường Sơn (Ảnh: Hạnh Linh).

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại tình dục ở trẻ em, theo bà Phúc, tại tất cả các tuyến đường trên địa bàn thôn đều được lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng. Tại các giếng nước, ao, hồ, mương được làm rào chắn bằng sắt và cắm biển cảnh báo ở nơi nguy hiểm.

Hơn 4 năm đi vào hoạt động, mô hình chia sẻ cách chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến hơn trăm gia đình có trẻ dưới 8 tuổi, hướng dẫn làm rào chắn ở ao, giếng cho hàng chục hộ gia đình. Nhờ vậy, tại thôn không xảy ra bạo lực, xâm hại tình dục ở phụ nữ, trẻ em, không có trẻ em bị đuối nước", bà Phúc nói.

Thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn, cho biết, cùng sự chung tay của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của hội viên và cộng đồng, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em.

"Với hòm thư góp ý giúp ban điều hành nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của thành viên. Đây cũng là nơi bà con nhân dân tố giác, lên án các hành vi gây mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em", bà Hằng bày tỏ.

Nhiều cách làm hay chống xâm hại tình dục, bảo vệ trẻ em ở nông thôn - 3

Nhiều gia đình làm rào chắn ở bờ ao để đảm bảo an toàn, chống đuối nước cho trẻ (Ảnh: Hạnh Linh).

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho hay, mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ, trẻ em và các thành viên gia đình, cung cấp giải pháp về thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình, cộng đồng.

Tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình, chia sẻ các tình huống không an toàn tại cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nông Cống, cho biết, xác định an toàn cho phụ nữ và trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nông Cống triển khai 36 mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" tại 29 xã, thị trấn.

Nhiều cách làm hay chống xâm hại tình dục, bảo vệ trẻ em ở nông thôn - 4

Các tuyến đường của thôn Kim Phú được trang bị đèn chiếu sáng để đảm bảo an toàn cho trẻ (Ảnh: Hạnh Linh).

Mô hình hoạt động theo chuyên đề như chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cung cấp các kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực, xâm hại tình dục ở trẻ em, xây dựng các thiết chế văn hóa để phụ nữ, trẻ em được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; làm rào chắn, biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm để bảo vệ trẻ em,…

"Mô hình tạo sự lan tỏa trong cách ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa của người dân. Trên địa bàn không có vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình nổi cộm. Các gia đình được tuyên truyền nâng cao kiến thức về đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ, trẻ em được chăm sóc về y tế, tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu", bà Hằng chia sẻ.

Năm 2019, thực hiện chủ đề năm "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa xây dựng 10 mô hình điểm "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" tại 10 huyện, thành phố. Hiện toàn tỉnh có 754 mô hình.

Hoạt động của mô hình gồm 3 nội dung: An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, an toàn cho phụ nữ, trẻ em nơi công cộng và an toàn trong lĩnh vực vệ sinh - thực phẩm. Sau nhiều năm thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực đã và đang là "điểm tựa an toàn" cho phụ nữ, trẻ em.