Nhận diện thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em trên mạng xã hội
(Dân trí) - Theo Công an TPHCM, trẻ em sử dụng mạng xã hội khá phổ biến, là nên các đối tượng tội phạm cố tình tìm kiếm để làm quen, dẫn dụ với mục đích xâm hại, cưỡng đoạt tài sản…
Ít ngày qua, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh chiếc vali đen vứt trong khu rừng vắng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là chiếc vali chứa thi thể của T, cô gái trẻ từ huyện Cần Giờ (TPHCM) đến Vũng Tàu thăm bạn trai quen qua mạng xã hội facebook.
Không ngờ, khi gặp nhau tại khách sạn, bạn trai quen qua mạng xã hội thấy T. có nhiều tài sản nên nảy lòng tham, sát hại T. rồi giấu xác vào vali, đem vứt vào rừng để phi tang.
Sự việc trên không chỉ là lời cảnh báo cho các cô gái trẻ mà còn cho các bậc phụ huynh có con nhỏ sớm làm quen với mạng xã hội.
Theo Trung tá Phạm Thành Trung, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, hiện có rất nhiều tội phạm nhắm đến các con mồi là trẻ em sử dụng mạng xã hội. Sau khi làm quen, đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ, khống chế, xâm hại; thậm chí là mua bán, môi giới mại dâm…
Cuối tháng 3, Công an thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) cũng đã bắt giữ nghi phạm Nguyễn Hoàng Tuấn (27 tuổi, bảo vệ tại TPHCM) để điều tra hành vi giao cấu với một bé gái mới 14 tuổi.
Theo kết quả điều tra ban đầu, vào tháng 2, Tuấn làm quen với bé gái N. (ngụ ở Đồng Tháp) thông qua mạng xã hội tiktok. Sau đó, đối tượng này dụ dỗ, quan hệ tình dục nhiều lần với bé gái.
Trung tá Phạm Thành Trung chỉ ra 3 phương thức, thủ đoạn mới mà tội phạm xâm hại trẻ em thường dùng để dụ dỗ, khống chế, xâm hại trẻ em sau khi làm quen thông qua mạng xã hội (kết bạn qua facebook, tiktok…).
Thứ nhất, các đối tượng tạo ra thông tin ảo trên mạng xã hội, xây dựng hình ảnh bản thân có cuộc sống giàu sang, học thức, từng trải. Sau đó đánh vào tâm lý của trẻ, khiến trẻ tin tưởng, thậm chí coi là thần tượng, "soái ca"… Dần dần, trẻ coi đối tượng là nơi nương tựa tinh thần thì bắt đầu lừa gạt, dụ dỗ trẻ.
Thứ hai, đối tượng lấy hình ảnh giả là người cùng giới, cùng tuổi với trẻ để tiếp cận. Sau một thời gian trò chuyện về sở thích và học hành, chúng chuyển sang trò chuyện về giới tính, muốn trao đổi hình ảnh những bộ phận nhạy cảm cho nhau, đề nghị trẻ chụp hình ảnh nhạy cảm của mình để gửi cho chúng…
Sau khi đã có được một số hình ảnh của trẻ, chúng lộ nguyên hình là đối tượng phạm tội, ép buộc trẻ phải cho quan hệ tình dục (kể cả cưỡng đoạt tài sản). Nếu trẻ không đồng ý, chúng dọa sẽ phát tán những hình ảnh đó trên mạng xã hội, gửi cho người thân của trẻ…
Thứ ba, đối tượng sử dụng vật chất như quà tặng, tài khoản game… để dụ dỗ trẻ gửi hình ảnh khỏa thân, clip ghi hình ảnh nhạy cảm cho chúng; hoặc hẹn trẻ đến nơi kín đáo để chụp ảnh, sau đó thực hiện các hành vi như: xâm hại tình dục, cưỡng đoạt tài sản, môi giới mại dâm, bán trẻ cho các tụ điểm mại dâm…
Trung tá Phạm Thành Trung khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm quản lý thời gian đi lại của trẻ em, nhất là các cháu gái có sự phát triển sinh lý sớm, thường sử dụng mạng xã hội, quen biết bạn trai.
"Phải giáo dục các cháu tác hại về quan hệ tình dục sớm, tránh ngăn cấm một cách cực đoan. Khi các cháu bị xâm hại phải kịp thời báo ngay cơ quan công an và giữ lại quần áo các cháu mặc khi bị xâm hại, tránh vứt bỏ hoặc tiêu hủy", trung tá Trung lưu ý.