Nhà vườn Huỳnh Quới và hành trình tìm kiếm sự "ngon", "lành" trong từng trái sầu riêng
(Dân trí) - Ông Huỳnh Văn Quới luôn tự hào vì đã thành công phát triển sản phẩm sầu riêng hữu cơ vi sinh. Với nghịch lý thường thấy - "được mùa mất giá - được giá mất mùa" - nông nghiệp vẫn là ngành có rủi ro, lại dễ tổn thương trước những biến động kinh tế.
Dù sản phẩm chất lượng tốt, ông Quới vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối và quảng bá sản phẩm tâm huyết của mình.
Nhiều năm đi tìm giống sầu riêng "ngon" đủ 5 vị, "lành" cho sức khỏe
Ông Huỳnh Văn Quới bắt đầu canh tác sầu riêng từ năm 2014. Đến nay, ông đã làm chủ và đồng sở hữu lên đến 53 vườn, trong đó tổng diện tích vườn sầu riêng tại Tây Ninh của ông đã đạt 26 ha, với Ri6 là giống chủ lực.
Theo ông Quới, Ri6 có lượng tinh bột cao, mịn mà ngọt thanh và có độ béo nhất định, do đó hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.
Thử nghiệm nhiều hình thức canh tác, ông Quới nghiệm ra điều mình đang tìm kiếm là sự "ngon" và "lành" trong từng trái sầu riêng. "Ngon" nghĩa là có thể đánh thức 5 giác quan khi cắn từng thớ thịt sầu riêng. Còn "lành" nghĩa là tốt cho sức khỏe. Trong cơm sầu riêng có chất chống oxy hóa, giúp cho trẻ hóa tế bào, ông Quới lý giải.
Với tâm niệm đó, ông Quới tìm tòi để canh tác bền vững theo hướng hữu cơ vi sinh. Sau nhiều năm ròng rã tìm hiểu, thực nghiệm, phương pháp canh tác của ông Quới đạt được hiệu quả cao nhất kể từ khi bắt đầu thử nghiệm vào năm 2018.
"Tất cả sản phẩm phân bón của tôi nghiên cứu phát triển đều là chất chống oxy hóa, giúp trẻ hóa đất, trẻ hóa tế bào thực vật. Người tiêu dùng ăn sầu riêng của tôi đánh giá vị ngọt là ngọt thanh chứ không ngọt gắt", ông Quới chia sẻ. Bên cạnh đó, ông Quới cũng sử dụng hệ vi sinh vật để chuyển hóa những loại bùn hữu cơ trong đất, chứ không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ hóa chất.
Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn luôn là ngành có nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của ông Quới, cũng như rất nhiều người nông dân trên khắp cả nước, đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất với ông Quới, bởi không thể vận hành được quá trình sản xuất lẫn kinh doanh. Không nản lòng, ông Quới đã tự phát triển các loại phân bón cho vườn, dành thời gian chăm sóc đất và cải thiện quy trình canh tác, để sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Đến thời điểm này, điều ông hài lòng nhất chính là hoàn thiện sản phẩm sầu riêng như ông hằng mong muốn. Dù tự tin với sản phẩm của mình, mở rộng kênh tiêu thụ vẫn là điều khiến ông Quới có nhiều trăn trở.
Tuy sản lượng nông sản được đánh giá dồi dào trong 2023, song tiêu thụ vẫn còn là một vấn đề nan giải. Bên cạnh áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa lẫn quốc tế, nông sản còn đối mặt với khó khăn tại một số thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, trước những biến động kinh tế, người dùng trong nước có xu hướng thắt chặt chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu. Đây là những nguyên nhân chính khiến thị trường nông sản nói chung, trong đó có sầu riêng gặp khó trong việc tiêu thụ.
Đưa thương hiệu sầu riêng Ri6 Huỳnh Quới lên chợ "số"
Với hình thức phân phối truyền thống, giao dịch mua bán được thực hiện và hoàn thành ngay tại vườn. Nhà vườn không cơ hội "đặt tên" cho sản phẩm, cũng như quảng bá thương hiệu của mình trên các kênh tiêu thụ sau này. Do đó, dù chất lượng và hương vị sầu riêng có khác biệt với mặt bằng chung, ông Quới vẫn trăn trở làm thế nào để mọi người biết đến "ngon" và "lành" - giá trị cốt lõi đã tâm huyết nghiên cứu suốt nhiều năm.
Theo chia sẻ của ông Quới, người nông dân chỉ có thể làm tốt ở việc tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, chứ không thể tự mình xây dựng thương hiệu, hay nói ra tâm huyết của mình bởi nhiều hạn chế về chuyên môn.
Và rồi ông bén duyên với dự án GrabConnect, thông qua một đơn vị chuyên hỗ trợ kết nối các nhà vườn địa phương với các nền tảng công nghệ, sàn thương mại điện tử.
Ấn tượng bởi giá trị "ngon" và "lành" mà ông Quới đã kiên trì theo đuổi, chỉ sau 2 tuần làm việc, sau khi kiểm tra quy trình canh tác, phân bón và chất lượng sản phẩm, đội ngũ GrabConnect quyết định hợp tác với ông Quới.
Theo đó, sầu riêng Ri6 Huỳnh Quới được giới thiệu và kết nối với các đối tác đang kinh doanh trên nền tảng Grab, điển hình như đối tác cửa hàng GrabMart. Bên cạnh việc bán tại cửa hàng, sản phẩm còn được "lên app" để bán cho người dùng Grab.
Không chỉ có thêm kênh tiêu thụ mới, mà từng "đứa con" tâm huyết của ông Quới còn được đội ngũ GrabConnect "đặt tên", với chiếc nhãn xanh lá "Huỳnh Quới - Nông sản ngon & lành" được dán cẩn thận trên cuống sầu riêng. Sầu riêng Ri6 thương hiệu Huỳnh Quới cứ thế được lên chợ "số" GrabMart và đến tay người dùng cuối với thời gian giao hàng nhanh chóng.
Theo chia sẻ của ông Quới, ông lời nhiều từ khi hợp tác với GrabConnect. Chỉ sau vài tháng hợp tác, vườn sầu của ông ở Tây Ninh có sản lượng đầu ra tăng 30% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhờ các chương trình quảng bá trái cây chính vụ trên GrabMart, thương hiệu sầu riêng Ri6 Huỳnh Quới được nhiều đối tác biết đến. Một vườn sầu riêng khác do ông Quới đồng sở hữu ở Khánh Sơn (Nha Trang) đã được một đối tác đặt trước 50% sản lượng, dự kiến thu hoạch vào tháng 8. Chưa dừng lại ở đó, các nhà vườn xung quanh - đang áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững của ông, cũng được hưởng lợi từ "hiệu ứng sầu riêng Ri6 Huỳnh Quới", với sản lượng sầu riêng được tiêu thụ tăng 150% so với cùng kỳ.
"Quới mang ơn dự án GrabConnect rất nhiều. Bản thân Quới hay hệ sinh thái của Quới (các nhà vườn được Quới hỗ trợ kỹ thuật canh tác bền vững) không thể nào tự quảng bá hay đưa sản phẩm của mình lên các kênh bán hàng online một cách hiệu quả như hiện tại", ông Quới bộc bạch.
Ông Quới hy vọng có thể đồng hành cùng dự án GrabConnect, tiếp tục lan tỏa "hiệu ứng sầu riêng Ri6 Huỳnh Quới" đến nhiều nông hộ khác. Qua đó, sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ trên các nền tảng công nghệ, các nhà vườn này cũng từng bước tham gia vào quá trình chuyển đổi số và hưởng lợi từ nền kinh tế số.