1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Người trợ lý ảo" giúp phòng, chống xâm hại trẻ em

Khả Vân

(Dân trí) - Phần mềm trợ lý ảo giúp kết nối, tuyên truyền kịp thời, chính xác các thông tin về pháp luật, tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ tư vấn pháp luật, hỏi đáp hỗ trợ tâm lý với người dưới 18 tuổi.

Những con số biết nói

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Kế hoạch phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025 (Ban chỉ đạo kế hoạch 506/BCA) về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, năm 2020, cả nước xảy ra gần 2.000 vụ với hơn 2.200 đối tượng, xâm hại hơn 2.000 trẻ em.

Năm 2021, toàn quốc xảy ra gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, với hơn 2.100 đối tượng, xâm hại gần 2.000 trẻ em, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng quý I năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện gần 450 vụ với gần 500 đối tượng, xâm hại hơn 450 trẻ em, trong đó, số vụ xâm hại tình dục trẻ em là hơn 300 vụ/317 đối tượng/309 trẻ em (chiếm 69,3%), giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Người trợ lý ảo giúp phòng, chống xâm hại trẻ em - 1

Với đặc tính ẩn danh của mạng Internet, đối tượng xâm hại trẻ em có thể là bất cứ ai. Vì vậy, trẻ em rất cần được học các kỹ năng số - giống như 'vaccine số' để có khả năng đề kháng trên môi trường mạng

Trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành trong lần bùng phát lần thứ 4 với các biến chủng mới, lây lan rộng ở nhiều tỉnh thành, diễn biến phức tạp kéo dài, các trường học phải tổ chức dạy trực tuyến khi thực hiện giãn cách xã hội. Bối cảnh đó, trẻ em có nhiều thời gian tiếp cận và sử dụng internet. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về số lượng nhưng đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Điển hình là việc trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi/quay/chụp lại và phát tán hoặc livestream; trẻ em tiếp xúc với nội dung bạo lực/nhạy cảm; tiếp xúc nội dung xúi giục tự tử và hành vi tiêu cực khác trên môi trường mạng; các hành vi bắt nạt trực tuyến; nhắn tin liên quan đến tình dục…

Cũng trong 2 năm Covid-19 này, tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng, trong đó có không ít vụ việc trẻ em là nạn nhân, bị ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe. Một số vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bạo hành do người quen biết hoặc người thân trong gia đình gây ra, gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình như vụ "dì ghẻ" và bố đẻ đánh đập bé gái 8 tuổi đến tử vong ở TPHCM, "bố dượng" đóng đinh vào đầu bé gái 4 tuổi ở Hà Nội, vụ xâm hại con riêng của vợ ở Sơn La….

Về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, theo Ban chỉ đạo kế hoạch 506, nổi lên tình trạng các đối tượng thông qua mạng xã hội kêu gọi tụ tập sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn; số đối tượng tham gia có cả nữ giới, học sinh. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là mâu thuẫn qua mạng, tại trường học, va chạm giao thông… thể hiện xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Người trợ lý ảo giúp phòng, chống xâm hại trẻ em - 2

Có những xung đột trên mạng xã hội giữa các em học sinh dẫn đến bạo lực ngoài đời thực (Ảnh minh họa cắt từ clip).

Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng với những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao, trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại. Trong khi đó, việc xây dựng, cải thiện môi trường mạng an toàn đối với trẻ em chưa được đầu tư thích đáng.

Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh không có thời gian và đầy đủ kiến thức cần thiết về công nghệ thông tin, hiểu biết tối thiểu về công cụ tra cứu internet, mạng xã hội… để hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em biết cách sử dụng mạng an toàn.

Các chương trình giáo dục của nhà trường cũng mới dừng lại ở mức phổ cập tin học căn bản, chưa trang bị kiến thức tự bảo vệ cho học sinh khi tham gia môi trường mạng. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ mạng chưa được thống nhất cụ thể về biện pháp và vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, do vậy, các biện pháp cải thiện môi trường mạng an toàn cho trẻ em còn thiếu.

Vấn nạn trong kỷ nguyên Internet

Mặc dù sự xuất hiện của Internet chậm hơn so với khởi đầu của thế giới, khoảng chừng 7-8 năm và chậm hơn so với một số nước trong khu vực khoảng 3-4 năm, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới.

Theo đó, lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên mạng đã đạt mức cao nhất tại nhiều quốc gia. Ví dụ tại Mỹ, Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột mỗi ngày phải xử lý 60.000 báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến.

Năm 2021, số lượng thuê bao Internet đạt mốc kỷ lục. Kết thúc năm 2021, các nhà mạng có gần 71 triệu thuê bao băng rộng di động (tăng hơn 4% so với năm 2020) và 18,8 triệu thuê bao băng rộng cố định (tăng 14,6% so với năm 2020). Cũng lần đầu tiên, Việt Nam đạt con số 71 triệu người sử dụng Internet, chiếm 2/3 dân số cả nước. Trong đó, hơn 1/3 số người sử dụng internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-24.

Báo cáo đánh giá đe dọa toàn cầu năm 2021 của WeProtect - phong trào tập hợp hơn 200 chính phủ và các công ty, tổ chức dân sự để thay đổi phản ứng toàn cầu đối với tình trạng bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng - đưa ra giữa tháng 10/2021 cho thấy, 2 năm qua, "Covid-19 đã tạo ra một 'cơn bão hoàn hảo' để thúc đẩy sự gia tăng lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên toàn cầu".

Người trợ lý ảo giúp phòng, chống xâm hại trẻ em - 3

Tổng đài 111 hiện là đầu mối tiếp nhận, xử lý các thông tin tố cáo hành vi xâm hại trẻ em.

Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng nhận định, chưa bao giờ, xâm hại trẻ em trên Internet nóng như hiện tại. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định, trong thời gian ảnh hưởng vì Covid-19, trẻ tiếp xúc mạng xã hội, học online càng nhiều, nguy cơ bị xâm hại càng cao.

Khảo sát của tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc, Đại học Sư phạm TPHCM, với học sinh trung học cơ sở cho thấy, có 7 nhóm vấn đề lớn mà học sinh gặp phải, đứng đầu là xâm hại trên môi trường mạng. Hơn 30% số học sinh cho biết đã và đang gặp phải tình trạng này.

Theo báo cáo của Đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ tháng 5 đến tháng 8/2021, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 600 ca xâm hại và bạo lực, tăng gần 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm. Năm 2020, số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu ở nội dung xâm hại, bạo lực chiếm hơn 47%, tăng 7,2% so với năm 2019.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) nhận xét, dù sinh ra trong thời đại công nghệ và có thể rất nhanh chóng giỏi công nghệ nhưng các em chưa đủ các kỹ năng cần thiết để đối mặt với những rủi ro trên môi trường mạng và dễ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trên môi trường mạng.

"Với đặc tính ẩn danh của Internet, kẻ xâm hại trẻ em có thể là bất cứ ai. Vì vậy, trẻ em rất cần được học các kỹ năng số - giống như 'vaccine số' để có khả năng đề kháng trên môi trường mạng", bà Linh khuyến cáo.

Người trợ lý ảo giúp phòng, chống xâm hại trẻ em - 4

Theo Cục cảnh sát Hình sự, Bộ công an - đơn vị phụ trách xây dựng phần mềm "Người trợ lý ảo" thì đây sẽ là nơi tuyệt đối an toàn và bảo mật để các em có thể gửi gắm, chia sẻ, được tư vấn những chuyện không biết phải hỏi ai (Ảnh minh họa).

Ngày 27/4/2022, Ban Chỉ đạo kế hoạch 506/Bộ Công an đã phê duyệt kế hoạch số 191/KH-BCĐ về triển khai xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trong đó ứng dụng chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào trong công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua xây dựng phần mềm "Người trợ lý ảo" trên nền tảng Androi và IOS nhằm kết nối, tuyên truyền kịp thời, chính xác các thông tin về pháp luật, khoa học công nghệ, tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp luật, khoa học công nghệ, tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp luật, hỏi đáp hỗ trợ tâm lý đến người dưới 18 tuổi có tiếp cận thiết bị di động, đảm bảo đồng nhất, thân thiện và phù hợp lứa tuổi. Các nhóm tuổi được chia thành, nhóm dưới 6 tuổi; nhóm từ 6 tuổi đến dưới 13 tuổi; từ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thì việc xây dựng phần mềm "Người trợ lý ảo" sẽ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, bổ sung cập nhật dữ liệu qua mã nguồn mở về các lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ người dưới 18 tuổi như: Hỗ trợ người dưới 18 tuổi tìm hiểu pháp luật đối với nhóm dễ bị tổn thương và khuyết tật thị lực; tái hòa nhập cộng đồng cho người dưới 18 tuổi sau khi chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng; phòng, chống ma túy, bạo lực, bạo hành, xâm hại, mua bán đối với người dưới 18 tuổi; quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người dưới 18 tuổi; giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ trước các nguy cơ xâm hại…

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 phê duyệt chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.

Chương trình có mục tiêu bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Chương trình cũng đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Chương trình phấn đấu 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội; 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện được các mục tiêu, chương trình sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ. Chương trình triển khai giải pháp kỹ thuật nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin, giám sát việc tuân thủ chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; thiết lập các kênh thông tin thân thiện để tiếp nhận phản ánh về các hình ảnh, video, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111.

Bên cạnh đó, chương trình sẽ đưa vào sử dụng trong ngành giáo dục các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh; góp phần thực hiện chuyển đổi số một cách an toàn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Chương trình cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, truyền thông số Việt Nam phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng và các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình có tính liên ngành cao khi có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an.

Việc ban hành chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 được thực hiện theo Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chương trình là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.