1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Người thu nhập 15 triệu đồng/tháng cần được hưởng chính sách nhà ở xã hội"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc ở Bạc Liêu kiến nghị, cần có cơ chế hỗ trợ các chính sách nhà ở xã hội cho lao động có thu nhập 11-15 triệu đồng/tháng để giảm bớt khó khăn.

Cần cơ chế chính sách phù hợp cho người thu nhập thấp

Thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2023" (gọi là đề án), Bạc Liêu được giao chỉ tiêu đến năm 2030 hoàn thành 1.900 căn, riêng năm 2024 là 200 căn.

Tuy vậy, ngày 21/5, thông tin tại hội nghị chuyên đề thực hiện đề án nói trên ông Huỳnh Hữu Trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, thừa nhận: "Cho đến nay đã gần một năm từ khi có kế hoạch nhưng tỉnh chưa có căn nhà xã hội nào". 

Người thu nhập 15 triệu đồng/tháng cần được hưởng chính sách nhà ở xã hội - 1

Ông Huỳnh Hữu Trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: N.H).

Nguyên nhân của sự việc trên do nguồn ngân sách còn hạn chế nên chưa dành được nguồn kinh phí cho hỗ trợ, phát triển nhà ở xã hội theo quy định (hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng,…).

Một số dự án nhà ở xã hội ở các huyện nằm xa trung tâm, điều kiện kết nối hạ tầng chưa đồng bộ... nên chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, đại diện một số công ty, doanh nghiệp tham dự hội nghị cho rằng, không ít chủ đầu tư còn e ngại khi làm nhà ở xã hội vì lợi nhuận không bằng nhà ở thương mại, nhưng quy trình thủ tục lại kéo dài. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh xây dựng cơ chế riêng theo hướng rút gọn quy trình thủ tục pháp lý.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cho biết, nhu cầu về nhà ở xã hội ngoài lực lượng vũ trang thì hiện nay người lao động có mức thu nhập 11-15 triệu đồng/tháng rất nhiều. Do đó, kiến nghị những đối tượng này cần được hưởng cơ chế chính sách như phát triển quỹ đất xây dựng, các điều kiện về tiêu chuẩn, loại nhà phù hợp để triển khai dự án.

"Tỉnh đẩy nhanh thủ tục hành chính, phê duyệt quy hoạch, sau đó mới đền bù thu hồi đất để triển khai. Khi có cơ hội thì chúng tôi làm ngay", lãnh đạo một công ty địa ốc cam kết.

Khảo sát kỹ nhu cầu để tránh xây nhà rồi không ai vô ở

Chia sẻ thêm về dự án nhà ở xã hội, ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu), nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn của Chính phủ, rất cần thiết để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. 

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, việc này cần đánh giá lại theo vùng miền, như đối với ĐBSCL "đất rộng, người thưa" thế nào, các tỉnh có khu công nghiệp lớn ra sao,… để phù hợp với nhu cầu thực tế. Cụ thể, người dân có một hec-ta đất, khi cho con ra riêng thì họ muốn ở tại chỗ, chứ không thích ở nơi quy hoạch gò bó.

"Ở tỉnh thì chúng ta nên xem xét lại từng địa phương. Chúng ta có chủ trương, chính sách, kinh phí xây dựng nhà ở, nhưng vấn đề cuối cùng là xây xong rồi có ai vô ở hay không?", ông Thắng băn khoăn.

Còn các xí nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thị xã có khoảng 10.000 lao động, nhưng thống kê nhu cầu nhà ở xã hội lại ít người đăng ký.

"Sáng họ đi làm, chiều chạy về nhà, thậm chí nghỉ trưa về nhà sinh hoạt với gia đình. Họ không mướn nhà trọ, về nhà có vườn rau ao cá có thể sống được, đỡ chi phí, tiền lương được hưởng trọn vẹn", ông Thắng chia sẻ thực tế.

Người thu nhập 15 triệu đồng/tháng cần được hưởng chính sách nhà ở xã hội - 2

Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, cho rằng cần khảo sát kỹ nhu cầu nhà ở xã hội trước khi xây dựng để đảm bảo hiệu quả (Ảnh: N.H).

Do đó, để triển khai đề án hiệu quả, theo Chủ tịch thị xã Giá Rai, trước hết tỉnh cần giao các địa phương khảo sát cụ thể nhu cầu nhà ở xã hội. Qua đó, có thể khái toán nhà đó xây thế nào, giá bao nhiêu,…. để có người đăng ký mua, từ đó mới quy hoạch. Việc này cũng để thu hút nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Hữu Trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, đề nghị các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án. Theo ông, khi thực hiện dự án sẽ có khó khăn nhất định về quy định, cơ chế, đề nghị nhà đầu tư quyết tâm cùng tháo gỡ, mạnh dạn kiến nghị những vấn đề vướng mắc.

"Cần đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đôn đốc nhắc nhở các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp thực hiện đề án này, với mục tiêu năm 2024 có 200 căn nhà ở xã hội", ông Trí giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng.