Bình Định:

Người phụ nữ tật nguyền mở xưởng thủ công, giúp chị em yếu thế

Doãn Công

(Dân trí) - Đối diện với mặc cảm, tự ti nhưng chị Ngô Thị Gái (47 tuổi, ở thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) đã vượt lên số phận, làm chủ cuộc sống và giúp người yếu thế.

Sinh ra ở vùng quê nghèo, vừa chào đời, chị Gái đã chịu thiệt thòi so với bao đứa trẻ bình thường khác vì tay trái bị teo bẩm sinh. Tuy nhiên, không đầu hàng trước số phận cũng không muốn làm gánh nặng của gia đình, chị Gái chủ động đi học nghề thêu. Sau bao ngày tháng quyết chí, cố gắng tập cầm kim, xỏ chỉ, thêu từng đường nét trên vải, chị Gái đã tự kiếm được những đồng tiền đầu tiên.

Người phụ nữ tật nguyền mở xưởng thủ công, giúp chị em yếu thế - 1

Chị Gái (bên phải) đang hướng dẫn kỹ thuật giúp người lao động tại xưởng (Ảnh: Ngọc Linh).

Vượt lên chính mình, chị lại nghĩ đến những chị em khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật ở thôn.

"Cùng là người có khiếm khuyết trên cơ thể nên tôi hiểu được cảm giác tự ti, mặc cảm cũng như khao khát được làm chủ cuộc sống của họ. Mặc cảm là một thứ gì đó ghê gớm lắm, khiến người ta vừa muốn buông xuôi tất cả vừa muốn vươn lên. Ngay lúc đó, tôi tự hứa sẽ cố gắng với hy vọng giúp đỡ chị em từng bước tạo thu nhập, ổn định phần nào cuộc sống", chị Gái tâm sự.

Đó cũng là lý do để năm 2011, cơ sở gia công đính hạt cườm được chị thành lập với sự tham gia của 20 lao động, trong đó phần lớn là người khuyết tật.

Công việc chỉ phát triển được vài năm thì nghề dần mất đi chỗ đứng. Lúc này, chị Gái lại chủ động đi học nghề đan sản phẩm nhựa giả mây. Người thường làm 2 tay, còn chị thì làm bằng một tay, một chân nên phải tập luyện nhiều tháng trời mới bắt kịp tốc độ bình thường.

Khoảng cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, chị Gái lại mở xưởng đan bàn ghế nhựa giả mây tại nhà, tạo công ăn việc làm cho người yếu thế. Hiện xưởng có 17 nhân công, trong đó có một nửa lao động là chị em khuyết tật, còn lại là người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn… Điều này vừa giúp giải quyết việc làm vừa tiếp thêm động lực vượt khó cho những người có hoàn cảnh giống như chị.

Chị Gái cũng cho biết, cơ sở đan nhựa giả mây của chị như ngôi nhà thứ hai của các chị em là phụ nữ khiếm khuyết. Bởi đây không chỉ là nơi học nghề mà chị em còn đến đây để chia sẻ buồn vui, động viên nhau cùng cố gắng.

Những phụ nữ làm ở đây, mỗi người mỗi hoàn cảnh, một khiếm khuyết, có chị bị teo cơ chân, đi lại khó khăn, chị bị tật ở mắt, chị lại mất đi khả năng nghe - nói... Nhưng khi về "ngôi nhà chung", các chị đều được quan tâm, hướng dẫn tận tình từng bước cơ bản để hoàn thiện sản phẩm. Tùy vào tình trạng sức khỏe mỗi người, chị Gái sẽ giao việc phù hợp. Chị Gái cũng tạo điều kiện để chị em nhận gia công sản phẩm tại nhà, sau khi đã nắm vững kỹ thuật.

Chị Ngô Thị Tố Nga, một trong những nhân công khuyết tật tại xưởng chia sẻ: "Thị lực của tôi đã giảm sút nên phải mất nhiều thời gian học, nhưng chị Gái rất kiên nhẫn hướng dẫn từng bước để tôi học được cách đan đúng. Nhờ chị mà tôi đã có thu nhập, chủ động cuộc sống, đỡ gánh nặng cho người thân. Cảm giác tự mình làm ra đồng tiền thật sự rất hạnh phúc".

Bên cạnh việc dạy nghề và tạo việc làm, chị Gái còn cố gắng ổn định thu nhập cho chị em, dù thời gian qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Chị Gái cho biết, dịch bệnh làm lượng hàng khách đặt giảm sút, chi phí vận chuyển tăng. Do vậy, chị chủ động động viên chị em mang sản phẩm về làm tại nhà để đảm bảo an toàn. Nhờ đó, nhân công của xưởng vẫn nhận đủ mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, đủ để chi tiêu, sinh hoạt mùa dịch.

"Những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn, tôi đã nhận sự giúp đỡ của nhiều người nhiệt tình, tốt bụng. Giờ đây, tôi khao khát được nối dài sợi dây yêu thương và tiếp tục lan tỏa tinh thần tương thân tương ái. Tôi tin các chị em khuyết tật sẽ vươn lên làm chủ cuộc sống và có thể giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn hơn mình", chị Gái tâm sự.