Người mẹ 20 năm giam mình, hủy hoại cuộc đời sau ngày con trai chết đuối

Hoài Nam

(Dân trí) - Hôm đó, con trai đòi ở nhà đi bắt gà với mẹ nhưng người mẹ gạt đi, sai con "đi lấy nước với cậu". Đó cũng là câu cuối cùng bà được nói với con...

Mẹ tóc bạc trắng, tự cô lập sau tang con

"Hơn 20 năm rồi, từ ngày em trai tôi mất vì đuối nước, mẹ gần như giam mình trong nhà, hiếm khi đặt chân ra ngoài. Bà không gặp hay giao tiếp với ai....", anh Nguyễn Đức Thanh, sống ở Hà Nội, giải thích với khách khứa đến chơi nhà về việc mẹ mình ở trên lầu, không gặp gỡ mọi người. 

Người mẹ 20 năm giam mình, hủy hoại cuộc đời sau ngày con trai chết đuối - 1

Người mẹ giam hãm, hủy hoại cuộc đời mình sau khi con trai chết đuối 20 năm trước (Ảnh tư liệu).

Hàng năm, dịp giỗ em trai anh hồi tháng 6 cũng là những lần hiếm hoi người mẹ mở lời nói chuyện với con cái trong nhà. Câu chuyện luôn là ký ức đau đớn về ngày hôm đó, ngày mà mẹ giày vò, không tha thứ cho mình suốt cả cuộc đời. 

Anh Thanh kể, trước đây gia đình anh sống ở Nghệ An, anh là con cả, sau còn em trai và em gái út. Mẹ anh giáo viên, bố làm vườn, cuộc sống gia đình êm đềm trôi qua. 

Hè năm đó anh Thanh học lớp 6, còn em trai kết thúc lớp 4. Vừa vào đầu hè, những đứa trẻ không phải đến trường, ở nhà chạy nhảy tự do... 

Mẹ nhắc đi nhắc lại, ngày hôm đó, đã vào cuối giờ chiều, bà ra vườn bắt gà, nhặt trứng để chuẩn bị cho bữa tối. Em trai anh chạy theo đòi đi bắt gà với mẹ, lẽ ra hai mẹ con đã cùng ở trong vườn. 

Nhưng ngay lúc đó, người mẹ nghe tiếng người cậu (em trai của mẹ) trước nhà đang đánh xe bò chở thùng phi đi lấy nước. Hồi đó ở quê, nhiều gia đình vẫn ngày ngày chở nước ngoài sông về dùng cho các sinh hoạt như tắm rửa, tưới cây... 

Nghĩ mấy lần con ra vườn chạy nhảy bị gà mổ, còn làm vỡ trứng, người mẹ đổi ý. Bà gọi cậu em trai: "Chờ thằng Tun với". Cậu bé vùng vằng đòi ở nhà với mẹ đi bắt gà, bà gạt tay con: "Đi lấy nước với cậu đi". Cậu bé 10 tuổi dẫm chân thình thịch, xị mặt đi theo cậu... 

Hàng ngày, các cháu vẫn hay theo cậu, theo bố ngồi xe bò ra sông lấy nước như vậy. Người mẹ không thể ngờ, đó là câu cuối cùng kịp nói với cậu con trai nhỏ. 

Chỉ tầm nửa tiếng sau, khi bà đang ngồi chặt gà, hình dung về bữa tối ấm cúng của gia đình thì tiếng hàng xóm gọi thất thanh trước nhà: "M. ơi, nhanh lên, nhanh lên, nhanh đi. Lên trạm xá ngay, thằng Tun...". 

Người mẹ buông dao, buông thớt, dù vẫn chưa hiểu chuyện gì, cứ vậy chạy thẳng về phía trạm y tế. Khi đó, rất nhiều người trong xóm chạy theo hướng với bà, về phía trạm y tế. 

Trước trạm, nhiều người đã quây kín. Chị lao vào, Tun nằm giữa sàn, người ướt sũng đang được ủ trong đám lá xoan. Ở quê khi đó còn có quan niệm cứu trẻ đuối nước bằng lá xoan...

Bên cạnh thi thể cháu, người cậu lăn lộn gào khóc, không ngừng đập đầu xuống sàn nhà. Nhìn cảnh tượng đó, người mẹ ngất luôn tại chỗ. 

Chuyện được kể lại, ở bờ sông chiều hôm đó, khi người cậu đang chăm chú múc nước vào thùng, Tun lội ra phía ngoài, rồi sụt vào vùng nước sâu dù cậu bé biết bơi... Khi quay ra gọi cháu để về, người cậu mới phát hiện cháu mình mất tích, nháo nhào gọi người rồi nhảy xuống mò tìm, vớt cháu lên. 

Từ ngày con ra đi, người mẹ rơi xuống vực thẳm. Chỉ vài tuần sau đó, không ai nhận ra bà vì bộ dạng rũ rượi, tóc bạc trắng... Quay lại trường được vài hôm, bà bỏ việc và từ đó bắt đầu cuộc đời hoàn toàn khép kín, không tiếp xúc, không gặp gỡ, không trò chuyện. 

Như một cái bóng trong nhà. Chỉ có giày vò, và giày vò...

Cũng đôi lần bà thừa nhận với người thân rằng, từ ngày tháng 6 năm đó, bà đã hủy hoại cuộc đời của chính mình, của cậu em trai, của chồng và của luôn hai đứa con còn lại. Gia đình, người thân không còn được thụ hưởng chút tích cực nào từ người phụ nữ lỡ mất con ấy... 

Trong mỗi bữa giỗ, người mẹ lại nói lời xin lỗi! Xin lỗi đứa con xấu số và cả hai đứa đang cạnh mình. 

Hơn 4 năm trước, anh Thanh đưa mẹ ra thành phố sống cùng vợ chồng mình. Nhiều lần anh cố gắng dẫn mẹ ra ngoài đi đây đó, gặp gỡ họ hàng quen biết nhưng rồi lần nào khi trở về bà cũng đổ bệnh, nằm liệt giường. 

Sau cái chết của con, bà không cho phép mình được cười, được vui, được hạnh phúc, không cho phép mình được quên câu nói với con: "Đi lấy nước với cậu đi"...

Anh Thanh làm khu bàn thờ riêng để hàng ngày mẹ quỳ lạy, thiền, tự giày vò trong thế giới của mình. 

Từ nào gọi tên nỗi đau mất con?

Mỗi năm, tại Việt Nam gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Cùng với con số này là hàng ngàn gia đình, hàng ngàn cha mẹ, ông bà, người thân phải đối mặt với nỗi đau mất con, mất cháu. 

Người mẹ 20 năm giam mình, hủy hoại cuộc đời sau ngày con trai chết đuối - 2

Ông bố Võ Hồng Tuấn đau đớn bên thi thể 3 con tử vong vì đuối nước (Ảnh: Công Bính).

Chỉ mới cách đây vài tuần, là tiếng khóc xé lòng, vỡ vụn của vợ chồng anh Võ Hồng Tuấn ở huyện Hiệp Đức, Quảng Nam trước thi thể 3 đứa con 6-8 và 9 tuổi. Ông nội của các cháu ngồi cạnh đó cũng khóc nghẹn không thành tiếng... 

Hôm đó, anh chị dẫn theo 3 con nhỏ ra sông đãi hến. Trong lúc vợ chồng anh đãi hến, 3 cháu vui đùa ở ghềnh đá rồi trượt chân ngã xuống vùng nước sâu... 

Không ai dám nghĩ đến việc rồi đây anh chị sẽ sống thế nào với những ngày tháng trước mắt. 

Hay một ông bố khác, hôm qua còn tung tăng, nói đủ chuyện hài hước, nay Facebook anh đã đổi ảnh đại diện sang màu đen với bàn tay cầm nến. Anh tiễn con trai về thế giới bên kia... Con trai anh chết đuối ở hồ bơi khi đến chơi nhà bạn.

Phía sau bức ảnh là nỗi đau tột cùng biết bao giờ có thể nguôi ngoai?

Người mẹ 20 năm giam mình, hủy hoại cuộc đời sau ngày con trai chết đuối - 3

Phía sau những bức ảnh tiễn biệt con nhỏ là nỗi đau không dễ nguôi ngoai của những người làm cha làm mẹ (Ảnh minh họa).

Bố mẹ qua đời con được gọi là mồ côi, vợ/chồng mất đi bạn đời được gọi là góa bụa. Riêng bố mẹ mất con, nỗi đau đó không có từ nào để diễn tả, để gọi tên.

Ở góc độ tâm lý, trong mỗi con người đều có cơ chế phục hồi sau mất mát người thân. Nhưng rất nhiều người, nhất là với những người bố người mẹ mất con không dễ vượt qua được đớn đau dù thời gian có là 10 năm, 20 năm như người mẹ đã ngoài 60 tuổi của anh Thanh. 

Đuối nước đang là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu cho trẻ em Việt Nam. Phòng chống đuối nước là việc giữ an toàn, tính mạng cho trẻ nhỏ và còn cứu vớt cuộc đời của nhiều ông bố bà mẹ, nhiều gia đình.