1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người lương hưu thấp sẽ được áp mức tăng thỏa đáng

Hoa Lê

(Dân trí) - Ngoài những nguyên tắc ấn định về việc điều chỉnh lương hưu, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 còn quy định tăng lương hưu thỏa đáng đối với người có mức hưởng thấp và nghỉ trước năm 1995.

Cơ sở điều chỉnh lương hưu 

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

Ngoài quy định nguyên tắc điều chỉnh lương hưu như trên, một điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này là quy định việc điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với người có mức lương hưu thấp và những người nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu.

Bên cạnh đó, Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định.

Người lương hưu thấp sẽ được áp mức tăng thỏa đáng - 1

Người có mức hưởng lương hưu thấp sẽ được điều chỉnh thỏa đáng (Ảnh: BHXH VN).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vấn đề này đã được nêu trong Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Thời gian qua, khi triển khai Nghị quyết 28, Chính phủ giao cho Bộ này phối hợp với các bộ, ngành đổi mới xây dựng đề án đổi mới cách thức, phương thức tính lương hưu.

Gần đây nhất, ngoài thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 15% theo mức chung từ ngày 1/7 tại Nghị định 75, những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995 sau khi được điều chỉnh lương hưu mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh lần nữa để đạt mức 3,5 triệu đồng/tháng.

Tới đây, trong thực hiện quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, đề xuất các phương án cải thiện mức lương hưu đối với những người có lương hưu thấp, vừa đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc quy định của luật. Đó là điều chỉnh lương hưu thỏa đáng cho người lương hưu thấp, người nghỉ hưu trước năm 1995.

Từ năm 1995 đến nay, nước ta tiến hành 24 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Người có lương hưu cao nhất là ông P.P.N.T. ở TPHCM với số tiền nhận về từ tháng 7 khoảng 161 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 21 triệu đồng so với mức nhận tháng 6.

Số tiền lương hưu hằng tháng thấp nhất của người thụ hưởng hiện nay là 2,34 triệu đồng/người/tháng (do lương cơ sở từ tháng 7 là 2,34 triệu đồng), trừ đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Tỷ lệ hưởng lương hưu nam và nữ chênh lệch

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Người lương hưu thấp sẽ được áp mức tăng thỏa đáng - 2

Luật mới không thay đổi công thức tính lương hưu chung (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, vấn đề điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu từng được đặt ra. Song, sau khi đánh giá các tác động, cũng như khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm xã hội, chủ trương của Luật mới là kế thừa luật hiện hành. Như vậy, luật mới không thay đổi công thức tính lương hưu chung.

Mặt khác, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã sửa quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu rất lớn. Từ năm 2018 đã có lộ trình thay đổi cách tính lương hưu đối với cả lao động nữ và nam.

Vì thế, luật mới chỉ bổ sung cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để xem xét tỷ lệ lương hưu của nam và nữ trong luật hiện hành là tuổi nghỉ hưu, chênh nhau 5 tuổi. Điều này dẫn đến câu chuyện, nam và nữ chênh nhau 5 năm đóng để được hưởng mức tối đa 75%.

Tuy nhiên, tới đây, tiếp tục lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ sẽ tiệm cận nhau, nam 62 và nữ 60 tuổi.