Người lương hưu thấp muốn hưởng cao hơn khi về già cần làm gì?
(Dân trí) - Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có thêm 1 chương nội dung về bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó quy định cụ thể đối tượng, nguyên tắc, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung...
Giữ bảo hiểm để hưởng lương hưu
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (hiệu lực từ ngày 1/7/2025) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Trường hợp người lao động đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn do các chế độ đều tính theo thời gian đóng (ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,..); Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn.
Ngoài ra, trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế; Được hưởng trợ cấp hàng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, người lao động còn có cơ hội được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị mất việc làm.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung 1 chương quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó quy định về đối tượng, nguyên tắc, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung và chính sách của nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Quy định này tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng lao động và người lao động.
Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung được Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định cụ thể: Khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế; Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm hưu trí bổ sung, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch; tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Bốn nguyên tắc bảo hiểm hưu trí bổ sung
Về nguyên tắc bảo hiểm hưu trí bổ sung, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu 4 nguyên tắc: Mức đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận.
Khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.
Hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán.
Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung bao gồm đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ.
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý.
Bên cạnh đó, Luật giao trách nhiệm Bộ Tài chính xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Đơn vị này sẽ chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung; theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung; xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm hưu trí bổ sung; thực hiện công tác thống kê, thông tin về bảo hiểm hưu trí bổ sung.