Người lao động thuê trọ có thể nhận hỗ trợ từ 1,5 - 3 triệu đồng
(Dân trí) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ xem xét kế hoạch thực hiện gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho người lao động thuê nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Điều kiện để nhận tiền hỗ trợ thuê nhà trọ là người lao động phải có hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội, đang thuê trọ tại các khu công nghiệp, chế xuất thuộc bốn vùng kinh tế trọng điểm, gồm 24 tỉnh, thành.
Cụ thể 24 tỉnh, thành này là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.
Tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ nội dung: hỗ trợ là người lao động thuê trọ từ ngày 1/3 đến 30/6/2022, có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng có thời hạn một tháng trở lên, thực hiện trước 1/3; đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước khi doanh nghiệp lập danh sách lao động cần hỗ trợ thuê nhà, hoặc có tên trong danh sách trả lương.
Mức hỗ trợ 500.000 đồng mỗi người một tháng, nhận hàng tháng, tối đa ba tháng. Người lao động nhận tổng cộng 1,5 triệu đồng.
Với trường hợp người quay trở lại thị trường lao động, điều kiện là phải đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế trọng điểm, ở trọ từ 1/3 đến 30/6.
Đối tượng này phải có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc thời hạn một tháng trở lên (từ 1/3 đến 30/6); đang đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi công ty lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Trường hợp lao động mới được tuyển dụng, chưa có tên trong danh sách đóng BHXH thì phải có tên trong danh sách trả lương trước tháng liền kề khi công ty đề nghị hỗ trợ.
Mức hỗ trợ với đối tượng quay trở lại thị trường lao động đang làm việc là 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng, số tiền không quá 3 triệu đồng/người.
Về trình tự thủ tục, người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc rồi gửi tới cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm. Hồ sơ sau đó tiếp tục gửi về UBND cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mục đích của việc hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Bên cạnh đó, giải pháp này nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đủ nhân lực cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc hỗ trợ người lao động đang làm việc, người lao động mới được tuyển dụng nhưng đang gặp khó khăn về chỗ ở.
Về nguyên tắc hỗ trợ, thực hiện chi trả, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hằng tháng, trên cơ sở đề nghị của người lao động và danh sách lao động đề nghị hỗ trợ do doanh nghiệp lập.
Để thuận tiện, giảm áp lực cho doanh nghiệp, trong dự thảo cũng đã quy định doanh nghiệp có thể đề nghị hỗ trợ gộp 2 tháng hoặc 3 tháng. Việc tổ chức thực hiện chi trả thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Chủ trương hỗ trợ một phần chi phí tiền thuê nhà trọ cho người lao động xuất phát từ thực tế, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam, hàng triệu lao động đã rời bỏ các doanh nghiệp, trung tâm công nghiệp, khu chế xuất, dẫn đến khan hiếm, thiếu lao động cục bộ.
Đây là giải pháp trước mắt để ổn định lao động tại các khu công nghiệp, hỗ trợ phần nào chi phí để người lao động, công nhân giảm bớt khó khăn, khôi phục lại kế hoạch việc làm, kế sinh nhai của mình là hỗ trợ trước mắt và có giải pháp lâu dài về chỗ ở, nhằm giữ chân người lao động lâu hơn, ổn định hơn.