Người lao động hạn chế đi lại, thắt chặt chi tiêu khi giá xăng "đội trần"
(Dân trí) - Trong bối cảnh giá xăng tăng vọt, chạm ngưỡng kỷ lục 30.000 đồng/lít, người lao động lao đao vì phải gồng gánh thêm nhiều chi phí.
Ghi nhận ý kiến của nhiều người dân lao động, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, sự leo thang của vật giá bao gồm cả chi phí xăng dầu đã gây nên nhiều khó khăn cho đời sống.
Ngoài việc chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt để tiết kiệm chi phí, người dân đồng thời cũng phải thắt chặt nhiều khoản chi tiêu khác. Một số người buộc phải chuyển sang tự chuẩn bị thức ăn tại nhà thay vì ăn ngoài như trước đây.
"Mình phải xem xét lại toàn bộ chi tiêu, tiền điện nước cũng phải cố cắt giảm. Sau dịch, kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, vật giá càng tăng thì mức sống của gia đình mình càng phải tiết giảm", chị Nguyễn Ngọc Lan (55 tuổi, quận Bình Thạnh) trình bày.
Toàn xã hội đồng loạt bị ảnh hưởng sau biến động dịch Covid 19, đặc biệt là đối với người lao động. Anh Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết, mức thu nhập của gia đình hiện tại không thể chi trả đủ cho sinh hoạt như trước. Bản thân anh và gia đình cũng hạn chế tối đa việc di chuyển, anh Huy cũng tìm kiếm thêm các công việc khác để tự tạo thêm nguồn thu nhập trong thời gian này.
Người lao động gắn liền với xe cộ và đường phố bằng các nghề như giao nhận hàng là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất. Giá xăng tăng nhưng cước phí vẫn giữ ở mức cũ khiến nhiều người phải tính đến việc đổi nghề để duy trì cuộc sống.
Anh Từ Tịch (52 tuổi, quận Gò Vấp) - tài xế xe ba gác giải thích: "Giá xăng tăng, mình vẫn phải chạy đi kiếm khách, vẫn tốn xăng. Nhưng nếu không có khách thì còn lỗ thêm tiền xăng. Nếu giá xăng còn tăng cao nữa chắc mình phải cất xe làm nghề khác".
Anh Nguyễn Thanh Tú (25 tuổi, quận Gò Vấp) hiện làm nghề giao nhận hàng chia sẻ: "Nếu trước đây chỉ cần đổ 50.000 đồng là đã đầy bình xăng thì bây giờ phải 80.000 mới đủ". Mức lương không thay đổi nhưng tiền xăng đi lại hàng ngày lại tăng vọt khiến người dân phải cân nhắc kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn.
Thói quen đi lại của người dân cũng có nhiều thay đổi, nhiều người sử dụng xe đạp để thay thế xe máy, một số khác ưu tiên việc đi bộ với quãng đường ngắn. Người lao động đang trông đợi sự điều chỉnh hợp lý hơn về giá xăng trong tương lai.