Người dân TPHCM mong các chính sách "chặn đứng" làn sóng sa thải
(Dân trí) - Tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời", nhiều công nhân ở TPHCM lo lắng trước tình trạng các doanh nghiệp ồ ạt cắt giảm lao động và lo sợ tình trạng này sẽ kéo dài.
Tham gia BHXH là để về già có lương hưu
Ngày 10/9, Hội đồng nhân dân TPHCM tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm".
Phát biểu tại chương trình, nhiều NLĐ bày tỏ lo lắng của bản thân về tình trạng sa thải lao động đang diễn ra phức tạp tại TPHCM và có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian sắp tới.
Bà Lê Hà Mỹ Hồng, công nhân công ty TNHH Kyung Rhim Vina (quận Bình Tân), chia sẻ: "Thời gian qua trên địa bàn Bình Tân có nhiều công nhân bị cắt giảm việc làm. Bản thân tôi cũng lo lắng bị cắt giảm lao động. Xin hỏi chính quyền có giải pháp gì hỗ trợ, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động bị mất việc hay không?".
Một nam công nhân ở công ty Cổ phần công nghệ dịch vụ Mitek lo lắng: "Tôi sợ thời gian tới các doanh nghiệp sẽ còn sa thải nhiều hơn nữa. Không biết chính quyền thành phố có chính sách gì hỗ trợ người lao động trong thời gian mất việc hay không?".
Điều hành chương trình, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, cũng đồng tình: "Trong quá trình khảo sát để thực hiện chương trình, chúng tôi ghi nhận rất nhiều công nhân phản ánh lo lắng này".
Góp ý trực tuyến, cử tri Hà Nguyễn cho biết: "Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, NLĐ chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, doanh nghiệp thì không có hàng, ngừng sản xuất. NLĐ thì giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập, không tìm được việc làm mới…".
Theo cử tri này, trong số những đồng nghiệp đã nghỉ việc, không ít người do quá khó khăn phải xin rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Do đó, cô hy vọng chính quyền thành phố có chính sách hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm mới và giảm bớt tình trạng rút BHXH một lần.
Về vấn đề này, ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TPHCM, cho rằng: "Bản chất của việc tham gia BHXH là để dành, tích lũy để khi về già hưởng lương hưu, có nguồn thu nhập. Do đó, việc lựa chọn rút BHXH một lần của NLĐ để giải quyết khó khăn về kinh tế trước mắt không phải là giải pháp đúng".
Theo ông, khi về già mà không có lương hưu, NLĐ dễ trở thành gánh nặng cho con cháu, gia đình, xã hội; thậm chí là NLĐ đó phải tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu để tìm kiếm thu nhập.
Ông Trần Dũng Hà nói: "Theo thống kê của BHXH Thành phố, giai đoạn từ 2020-2022, bình quân mỗi năm có khoảng hơn 110.000 người rút BHXH một lần. Việc NLĐ chọn hưởng BHXH một lần tức là đang chọn phần thiệt thòi về mình".
Theo Phó giám đốc BHXH TPHCM, bên cạnh việc rút BHXH một lần còn có tình trạng NLĐ "bán lúa non" sổ BHXH với giá trị tương đương 50%-60% số tiền mà cơ quan BHXH sẽ chi trả một lần cho sổ BHXH đó. Việc này càng khiến cho NLĐ thiệt thòi hơn.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động mất việc
Về giải pháp để giảm tình trạng rút BHXH một lần, ông Trần Dũng Hà cho rằng: "Nếu riêng chính quyền TPHCM sẽ không làm được. Để giải quyết bài toán này cần phải có giải pháp căn cơ và thực hiện đồng bộ nhiều yếu tố. Ví dụ như phải sửa đổi quy định của pháp luật, chính sách về tiền lương, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chính sách vay vốn ưu đãi cho NLĐ, hỗ trợ cho NLĐ khi mất việc…".
Phát biểu tại chương trình, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, khẳng định thành phố luôn bám sát tình hình lao động việc làm trên địa bàn, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn và NLĐ bị mất việc.
Theo bà Trang, trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ và chuyên đề để kết nối cung cầu, giới thiệu việc làm cho NLĐ.
Ngoài ra, Sở liên tục kết nối với Liên đoàn Lao động thành phố, UBND các quận, huyện để hỗ trợ NLĐ mất việc theo đúng các chính sách pháp luật hiện hành.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, hiện ngoài trợ cấp thất nghiệp, NLĐ mất việc còn được thụ hưởng các chính sách đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí…
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, cũng cho biết từ cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn quận có nhiều lao động bị cắt giảm việc làm. Do đó, quận đã có kế hoạch bài bản là lập ngay tổ công tác phụ trách khi nghe tin có doanh nghiệp cắt giảm số lượng lớn lao động.
Trách nhiệm của tổ công tác là làm việc với các bên liên quan để đảm bảo chế độ chính sách cho NLĐ mất việc. Nhờ đó, quyền lợi của những lao động mất việc trên địa bàn quận thời gian qua luôn được đảm bảo bằng hoặc cao hơn Luật Lao động quy định.
Ngoài ra, quận cũng chủ động tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tìm việc làm phù hợp cho NLĐ mất việc. Đối với những lao động có nguyện vọng và điều kiện phù hợp, quận hỗ trợ cho người dân vay vốn chuyển đổi nghề nghiệp, tạo dựng thu nhập mới…
Trong năm nay, Bình Tân tiến hành rà soát, giảm thuế cho các chủ nhà trọ bị ảnh hưởng, giảm thu nhập khi người thuê trọ mất việc về quê nhiều. Sau đó, quận vận động các chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng để hỗ trợ công nhân đang gặp khó khăn vẫn cố gắng bám trụ lại thành phố.
Song song đó, quận còn thực hiện chính sách miễn giảm thuế, hội nghị đầu tư để kết nối cơ hội cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để làm ăn… để hạn chế tình trạng cắt giảm lao động.