1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người đàn ông 5 năm chăm nuôi, tã bỉm cho mẹ của bạn thân

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Thương người mẹ "dưng" từng đối xử với mình như mẹ ruột, anh Văn Tâm tận tay chăm sóc bà Năm, chờ đến khi con trai ruột của bà trở về.

"Nó dắt bà đi bán vé số như vầy, nó có lấy tiền mua đồ ăn ngon cho bà không?", một vị khách hỏi.

"Khỏi cần có tiền, tôi muốn ăn gì là nó đi mượn tiền mua liền!", bà Nguyễn Thị Năm (86 tuổi, ngụ quận 2, TPHCM) trả lời.

Người đàn ông 5 năm chăm nuôi, tã bỉm cho mẹ của bạn thân - 1

Hơn 5 năm qua, anh Tâm vẫn giữ thói quen dậy sớm chăm sóc cho người mẹ "dưng" (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hơn 5 năm qua, người dân sống tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM đã quen với hình ảnh anh Nguyễn Mai Văn Tâm (43 tuổi) đẩy chiếc xe lăn, đưa bà Năm đi bán vé số.

Đôi lúc, lực lượng chức năng hiểu nhầm anh Tâm là đối tượng chăn dắt người già để kiếm tiền. Anh Tâm chỉ cười trừ, rồi nói: "Muốn biết sự thật cứ hỏi má tôi".

"Bỏ bà ai nuôi, tội lắm!"

Gọi tiếng "má", người đàn ông đã luống tuổi rưng rưng nước mắt nhưng ít ai biết anh Tâm chỉ là bạn thân của con bà Năm. Nhưng đối với người đàn ông này, từ lâu anh đã xem bà Năm như mẹ ruột.

Cứ 6h sáng mỗi ngày, anh Tâm đều đặn dậy vệ sinh cá nhân cho mẹ. Hai mẹ con anh hôm nay nhận 300 tờ vé số, chia nhau đi bán cho nhanh hết. Bà Năm thường ngồi ở đoạn Miếu Ba Cô, nơi có đông người qua lại để việc bán vé số thuận lợi hơn. Còn anh Tâm thì đạp xe, thỉnh thoảng đi bộ để tìm khách.

Người đàn ông 5 năm chăm nuôi, tã bỉm cho mẹ của bạn thân - 2

Không thấy con trai dù chỉ vài phút, bà Năm đã nóng lòng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Mỗi tháng, bà Năm được địa phương hỗ trợ hơn 900.000 đồng, còn anh Tâm là người nuôi dưỡng, được cấp khoảng 300.000 đồng. Thỉnh thoảng, mạnh thường quân đến tặng gạo, thức ăn. Hai mẹ con nhờ vậy mà đỡ chút gánh nặng.

Đến giờ cơm trưa, không thấy Tâm đâu, bà Năm sốt ruột gọi điện cho con trai, hối nhanh về với mẹ.

"Đi bán có một chút thôi mà má đã la, gọi điện kiếm rồi. Nói chi giờ tôi bỏ bà, ai nuôi, tội lắm", anh Tâm bộc bạch.

Trở về nhà, người con trai vội bế mẹ lên giường, rồi lấy khăn lau, thay tã cho bà. Lớn tuổi, khó tính, bà Năm thường xuyên la mắng, càm ràm. Những lúc như vậy, anh Tâm càng nương, dỗ dành bà như chăm sóc một đứa trẻ.

Người đàn ông 5 năm chăm nuôi, tã bỉm cho mẹ của bạn thân - 3

Mọi sinh hoạt của bà Năm đều do một tay anh Tâm chăm lo (Ảnh: Nguyễn Vy).

Trước đây khi mới nhận chăm bà Năm, anh Tâm nhiều lần muốn bỏ cuộc vì cực quá.

"Một tay tôi tắm rửa, thay tã cho mẹ. Lúc đầu tôi ớn lắm, ói xanh cả mặt. Nhưng rồi cũng thành quen, tôi không làm thì không ai lo cho bà nữa", anh Tâm bộc bạch.

Tại căn trọ nhỏ, bà Năm nằm trên giường lớn, còn anh Tâm kê chiếc ghế dài cạnh bên. Anh nói rằng, phải nằm cạnh mẹ không rời để bà cần gì là có thể gọi ngay.

Những lúc buồn, anh Tâm thường ngồi cạnh tâm sự với mẹ. Lắm lúc, bà Năm nhìn anh rồi trầm ngâm: "Hay con đi sống cuộc đời của con đi, má không biết sống được đến khi nào".

"Coi như con mắc nợ má đi. Khi nào con trai má về thì con 'bàn giao' lại cho anh", anh Tâm lần nào cũng đáp vậy.

Khi còn nhỏ, anh Tâm đã quen buôn bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành, rồi có duyên làm bạn với con trai bà Năm. Mất bố mẹ từ bé, anh Tâm thường xuyên qua nhà bà Năm chơi và trở nên thân thiết, được bà đối xử như con cái trong nhà.

Món nợ ân tình

Thời trẻ, bà Năm kết hôn, sinh được 4 người gái, 1 con trai, gia đình êm ấm, cùng sống trong căn nhà nhỏ tại quận 4. Rồi biến cố ập đến, chồng mất năm bà Năm mới ngoài 30 tuổi, làm đủ thứ nghề để nuôi con khôn lớn.

Cuộc đời nhiều bước ngoặt. Nợ tiền, bà Năm bán nhà lấy một phần trả nợ, một phần chia cho các con. Một trong những người con gái qua đời đợt dịch Covid-19, một con gái khác bị tai nạn, đầu óc không bình thường. Hai người con gái còn lại cũng lấy chồng, cuộc sống khó khăn chẳng thể chăm lo cho mẹ.

Người đàn ông 5 năm chăm nuôi, tã bỉm cho mẹ của bạn thân - 4

Đến nay, anh Tâm vẫn không rõ vì sao lại dành nhiều tình cảm đến thế cho người mẹ "dưng" (Ảnh: Nguyễn Vy).

Còn duy nhất một người con trai là nguồn hi vọng nhưng bà Năm cũng ngậm ngùi khi con đi làm ăn xa, ở Thái Lan, rồi mãi không thấy về. Không nhà, không có con bên cạnh, bà Năm lủi thủi một mình đi bán vé số mưu sinh. Đến năm 2017, bà Năm bỗng bị liệt thân dưới. Con trai ở Thái Lan không thể về, đã gọi điện, gửi tiền về nhờ người bạn thân là anh Tâm đến chăm sóc mẹ.

3 năm gần đây, người con trai vướng vào vòng lao lý ở nước ngoài, không còn liên lạc được nữa. Anh Tâm cũng ngầm hiểu và tự nguyện chăm sóc cho bà Năm. "Giờ tôi không có mẹ, nên tôi coi bà Năm như mẹ ruột của tôi. Nhiều lúc cũng bị mọi người trách ghê lắm, rằng sao tự chuốc khổ vào thân, nản phát khóc đã định bỏ mẹ. Nhưng trong thâm tâm thực sự không làm được", anh Tâm nghẹn ngào kể.

Năm 2018, anh Tâm bị liệt một bên chân, trải qua cuộc phẫu thuật "thừa sống thiếu chết". May mắn hồi phục sau cơn bạo bệnh, vừa bước xuống giường, anh chạy đi tìm mẹ Năm ngay.

Người đàn ông 5 năm chăm nuôi, tã bỉm cho mẹ của bạn thân - 5

Suýt bị gia đình từ mặt, anh Tâm vẫn kiên quyết ở bên cạnh chăm sóc mẹ "dưng" (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Lúc đó anh chị em tôi giận lắm, nói rằng thân tôi còn lo chưa xong, lỡ bị liệt nữa thì ai chăm. Gia đình tôi dọa sẽ từ mặt nếu tôi tiếp tục chăm sóc người mẹ "dưng" này. Nhưng tôi vẫn không bỏ má được", anh Tâm trải lòng.

Dần dần, gia đình anh Tâm cũng bị thuyết phục, hiểu hơn tâm tư người đàn ông, không ngăn cản anh nữa. Nhìn làn da người mẹ "dưng" đã dày kín vết đồi mồi, giọng nói không còn rõ nữa, anh Tâm càng nặng lòng hơn.

"Tôi chẳng ước gì cho mình cả. Chỉ mong má sống khỏe cho đến khi con trai má trở về. Tôi nghĩ đó là niềm hạnh phúc cuối đời của má rồi", người con trai nuôi trầm ngâm.