(Dân trí) - "Nhất định con phải vào Sài Gòn. Lỡ thất bại, con thà ôm hai đứa nhỏ cùng nhảy xuống sông, chứ không thể sống cảnh này nữa", chị Chang khóc nấc qua điện thoại, nói với bố mẹ đang ở phía đầu Hà Nội.
Mẹ đơn thân từng muốn ôm con nhảy sông hồi sinh từ "chuyện tình xe lăn"
(Dân trí) - "Nhất định con phải vào Sài Gòn. Lỡ thất bại, con thà ôm hai đứa nhỏ cùng nhảy xuống sông, chứ không thể sống cảnh này nữa", chị Chang khóc nấc qua điện thoại, nói với bố mẹ đang ở phía đầu Hà Nội...
Hơn 17h, chị Vũ Thị Chang (quê ở Hải Phòng) nhấc máy gọi bạn đến đón. Theo đúng kế hoạch, chị sẽ gửi quần áo ra sân bay trước, dối bố mẹ đi uống cà phê với bạn rồi làm sao đi cho kịp chuyến bay lúc 18h.
Trong bóng hoàng hôn chạng vạng, người phụ nữ một chân bị liệt, phần tay phải chỉ cử động được phần trên, nước mắt lặng lẽ rơi khi nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, trên hành trình vào TPHCM "cứu rỗi cuộc đời mình".
Bên cửa sổ máy bay, chị cố nhìn lại mảnh đất mình đã sinh ra, nhớ về bố mẹ đã vất vả nuôi lớn mà chị đã để lại sau lưng đi để làm lại cuộc đời. "Lúc đó tôi liều thật, nhưng không còn gì để mất nữa", chị nhớ lại.
Chị Chang bị khuyết tật từ nhỏ, phần đời trước đó hầu như phụ thuộc vào bố mẹ. Thấy bố mẹ đã già, bản thân phải chịu áp lực từ nhiều phía, chị quyết định vào TPHCM để lập nghiệp.
Trước đó, chị quen anh Đoàn Sơn Thọ (47 tuổi, ngụ tại TPHCM) trên mạng, cả hai đã sớm có sự đồng cảm với nhau bởi anh Thọ cũng là người khuyết tật. Vào TPHCM, cả hai sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa làm đám cưới, vì không có điều kiện tổ chức.
Cả hai đều từng "lỡ một lần đò". Và họ đã chọn yêu thương, chăm sóc nhau theo cách riêng...
Những tháng ngày sống không bằng chết
Năm lên 1 tuổi, chị Chang bị sốt bại liệt khiến cả người bên phải không cử động được. Gia đình bán tài sản, chạy chữa khắp nơi nhưng cô con gái nhỏ phải chấp nhận cuộc sống tật nguyền mãi mãi. Thời điểm đó, chị Chang không đi được, phải chống cổ tay lết từng bước đến chai sạn, chảy máu. Chị nói: "Con chó đi làm sao thì tôi đi y như vậy".
Học hết lớp 9, Chang quanh quẩn ở nhà, không tìm được nơi nào tiếp nhận người khuyết tật như chị. "Mỗi khi đi đâu cũng phải xin tiền bố mẹ. Dần dần tôi ý thức được bản thân là gánh nặng cho gia đình, tủi hổ lắm", chị bộc bạch. Chị cũng từng nỗ lực mở một tiệm tạp hóa riêng nhưng rồi cũng đổ bể vì người xung quanh vẫn kỳ thị người dị tật như chị.
22 tuổi, vượt qua nhiều trở ngại, ngăn cản, chị Chang kết hôn với người đàn ông gần nhà. 2008 chị sinh con gái đầu lòng. Những tưởng cuộc sống hôn nhân sẽ thêm gắn kết, nhưng khi con được 10 tháng tuổi, chị phát hiện chồng có người phụ nữ khác bên ngoài.
Vừa ly hôn xong thì bà mẹ đơn thân phát hiện mang thai con thứ hai khi đã bước sang tháng thứ 7. Báo tin với chồng cũ, chị nhận lại cái lắc đầu lạnh lùng: "Chia tay rồi, chắc gì đó là con của tôi".
Đến người thân, ruột thịt cũng khuyên bỏ thai hoặc có sinh cũng gửi vào trại trẻ mồ côi, chị Chang đau đớn nhưng vẫn cương quyết: "Đó là con của tôi, có đi ăn xin, ăn mày tôi cũng sinh con, nuôi con".
May mắn, hai đứa trẻ như biết phận khó, dễ nuôi, ít ốm đau. Nhưng 3 mẹ con sống dựa vào nhà ngoại mãi, chị dằn vặt lắm. "Bố mẹ đã lớn tuổi, lo cho 7 miệng ăn trong nhà quá vất vả. Đã đến lúc tôi phải tự chăm lo cho cuộc đời mình, không thể dựa dẫm vào gia đình nữa", chị Trang cho hay đó là lí do quyết tâm vào TPHCM.
Với anh Đoàn Văn Thọ, số phận nghiệt ngã cũng giáng xuống từ cơn sốt bại liệt khi còn nhỏ. Liệt nửa thân bên dưới, nhà lại nghèo, việc chữa trị chẳng đến đâu, anh không đi được nữa khi cơ thể teo dần.
Giống chị Chang, anh cũng từng có một gia đình nhưng rồi chẳng được bao lâu, người phụ nữ "gá nghĩa" cũng bỏ đi.
Anh Thọ nhớ như in ngày trời âm u đó, chính anh chở vợ ra bến xe, chứng kiến cô ấy vờ lên xe khách rồi lại xuống, ngay khi tưởng anh vừa quay xe, đi theo người đàn ông lạ mặt. Lúc đó, anh Thọ tự hiểu sẽ không còn liên lạc hay oán trách gì nữa. Đến nay, người phụ nữ ấy đã có gia đình riêng, sống gần nơi anh đang ở.
"Thỉnh thoảng có nhìn thấy nhau, nhưng tôi cũng vờ như không thấy vì chẳng muốn làm người ta phải khó xử", anh Thọ kể.
Cuộc gặp định mệnh
Tháng 3/2015, chị Chang và anh Thọ vô tình biết nhau qua mạng xã hội. Đồng cảm vì có cùng hoàn cảnh, chuyện đời cũng giống nhau, cả hai sớm có cảm tình.
3 tháng sau, lần đầu gặp chị Chang, anh Thọ ngại ngùng không dám nhìn thẳng vào mắt chị. Nhiều lần anh ngập ngừng: "Vì cô này xinh quá, không biết có thích mình không".
Ngày hẹn đón nhau ở sân bay, họ chưa từng biết mặt, chỉ mới nghe giọng, trò chuyện qua điện thoại. Nhìn thấy anh, chị Chang có phần sốc vì không nghĩ anh bị tật nặng đến vậy. Tuy nhiên, qua khoảng thời gian tiếp xúc trực tiếp, chị càng cảm động, thấy thương anh và quyết định ở lại Sài Gòn, gắn nghĩa.
Thời gian đó, cả hai đi làm công nhân lắp ráp ở Củ Chi. Chị không chạy được xe, nên anh Thọ hàng ngày đều đưa đón, dù chỗ làm của anh cách chỗ chị đến 30 phút. Những đêm mưa to, nước ngập lút xe, hai vợ chồng ướt sũng về đến nhà. Chị nói, vậy mà vui.
"Sống với người khỏe mạnh hay khuyết tật thật ra không khác gì nhiều, quan trọng người ta có yêu thương, chăm sóc mình không", chị Trang khẽ nhìn chồng.
Tờ vé số độc đắc
Vay mượn được 20 triệu đồng, năm 2018, chị Chang đón con nhỏ vào ở cùng, bé lớn vẫn phải nhờ ông bà ngoại chăm sóc.
Đợt dịch Covid-19, vợ chồng chị cùng lúc mất việc. Thời điểm đó không có tiền, sống nhờ gia đình chu cấp, đến khi dịch tạm lắng, anh chị nhận vé số về bán. Sau thời gian ở trọ, đôi vợ chồng được người chị cho mượn căn nhà ở Hóc Môn, cũng đỡ được gánh nặng tiền thuê trọ.
Cứ đúng 4h sáng mỗi ngày, vợ chồng chị đều đặn dậy chuẩn bị cơm nước rồi lái xe lăn đi bán vé số. Hôm nào được ủng hộ thì chỉ tới 8h là được về, nhưng khi ế ẩm, phải chờ đến giữa trưa. Về nhà lo cho con, nghỉ ngơi một lát, anh chị tiếp tục đi bán đến tối.
Đợt giảm đơn hàng, doanh nghiệp sa thải nhân công hàng loạt vừa qua, nhiều công nhân mất việc cũng xoay qua bán vé số, đại lý chỉ còn phân phối cho vợ chồng chị 220 tờ/ngày. Chị phải nhập thêm đồ chơi về bán trước cổng trường để kiếm thêm thu nhập.
"Khách mua thiếu, lấy dư vé, giật vé, đổi vé số giả, tiền giả… chúng tôi đều đã trải qua. Có lần tôi bị giật mất 93 tờ vé số, không dám chi tiêu, ăn uống gì cả tuần, nhịn đói nhịn khát đi bán mới bù lại được", anh Thọ kể.
Cuộc sống khó khăn, nhưng anh chị vẫn nuôi một giấc mơ. Mỗi ngày đi bán về, anh chị đều dặn nhau chừa lại một tờ vé số.
"Đó là tấm vé chúng tôi hi vọng sẽ trúng. Nếu được chắc mừng lắm, vì sẽ có tiền sửa sang lại phần nền, 3 người trong nhà sẽ không chịu cảnh ngập nước mỗi khi mưa xuống nữa. Tôi cũng sẽ có tiền đón đứa con lớn vào đoàn tụ", chị Chang bộc bạch.
Trong căn nhà ở tạm, nhờ người thân, cuộc sống tằn tiện nhưng đầy tiếng nói, cười của gia đình nhỏ. Chị Chang cho hay, cô con gái nhỏ đã xem anh Thọ là bố. Chuyện to, nhỏ trong nhà, 2 bố con đều nói cho nhau nghe. Lần sinh nhật gần nhất, anh và con gái còn bí mật lên kế hoạch, mua hoa tặng chị.
Hiểu chuyện, hai con của chị Chang luôn cố gắng trong học tập, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Anh Thọ thì không nói gì, ngại thể hiện nhưng luôn lặng lẽ dành mọi thứ cho vợ con.
"Có lần anh Thọ được ban tổ chức cuộc thi thể thao trao tặng 7 triệu đồng, anh gói ghém mua tặng tôi chiếc nhẫn, phần tiền còn lại mua đồ ăn ngon cho con, không dành phần nào cho mình", chị Chang kể.
Mỗi ngày, khoảnh khắc vui nhất với chị Chang là nghe câu hát nghêu ngao từ đầu ngõ vào: "Em cứ sống sung sướng, khổ đau cứ để phần anh", báo hiệu chồng đi bán về. Căn nhà nhỏ tạm bợ, không sung túc gì nhưng 3 người vẫn cùng nuôi vài con chó, con mèo, thêm niềm vui cho cô con gái nhỏ. Khoảng sân phía trước, anh chị dùng để nuôi gà, lấy trứng cải thiện bữa cơm gia đình.
"Sau khi trải qua nhiều đắng cay, tôi thấy rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Nếu lỡ một trong hai có thay lòng đổi dạ, chúng tôi cũng sẽ biết ơn vì người kia đã ở bên cạnh trong khoảng thời gian khó khăn, thử thách nhất. Chúng tôi nguyện không oán trách nhau", chị Chang nắm lấy tay chồng, cả hai cùng mỉm cười.
Bài và ảnh: Nguyễn Vy