Người đàn ông 44 năm sống chung với hàng chục cỗ quan tài vì món nợ 50 đồng
(Dân trí) - Ông Oanh (77 tuổi) nổi tiếng là người chuyên đi lo mai táng miễn phí cho người khó khăn ở TPHCM và các tỉnh lân cận. Nhiều người nói ông điên vì nhà lúc nào cũng xếp chật kín hàng chục cỗ quan tài.
8 lần chuyển nhà
Đầu năm mới, TPHCM bắt đầu mát mẻ, cái nắng gắt giữa trưa đã dịu bớt. Thế nhưng, trong căn nhà nằm sâu trong con hẻm ở quận 4, ông Bùi Văn Oanh (77 tuổi) vẫn thở dài vì sự ngột ngạt, nóng bức.
"23 tết Nguyên đán sắp tới, chủ nhà thông báo tôi phải dọn đi...", ông Oanh nói gọn.
Chủ của trọ phàn nàn vì ông chất đầy các cỗ quan tài bên trong, sợ sẽ không bán nhà được nên nói khó, nhờ ông rời đi.
"Buồn thì có nhưng không hề hấn gì. Tôi cũng đã chuyển nhà 8 lần rồi", ông Oanh vừa nói vừa cố gượng cười.
44 năm qua là khoảng thời gian mà ông Oanh nhận mai táng, tặng quan tài miễn phí cho người xấu số.
Vừa trở về nhà sau chuyến lo hậu sự cho một người không quen biết ở Cần Thơ, ông Oanh cảm thấy nhẹ lòng khi đã lo chu toàn tang ma, an ủi thân quyết của người nghèo khó đã qua đời.
22 quận, huyện ở TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, ông đều đã đặt chân để lo hậu sự cho người khuất núi.
Không nhận một đồng nào từ gia đình người quá cố, không thu nhập, không gia đình, không nhà, ông Oanh vẫn xem mình là người "giàu có" nhất.
"Có những người nhiều tiền, nhưng lớn tuổi lại mắc nhiều bệnh, rồi lại phải rót tiền rót của để chữa bệnh. Còn tôi, không có tiền, nhưng năm nay đã 77 tuổi, tôi vẫn không bệnh tật, vướng bận gì. Vậy có phải tôi là người giàu nhất không?", ông Oanh tự hỏi.
Ông Oanh từng bán hết đất đai, bỏ tiền túi để mua quan tài, nhang và mọi dụng cụ để lo hậu sự cho những người xấu số. Dù là người già hay trẻ nhỏ gặp cảnh éo le, lìa cõi tạm đều được ông Oanh tặng những cỗ quan tài được chăm chút, trân trọng, làm đủ nghi lễ đưa tiễn chỉn chu.
"Mỗi lần lo hậu sự cho người có hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy thương nhiều hơn là sợ. Tôi nghĩ vì sao đến việc thiên thu mà người ta vẫn thiệt thòi, không có tiền để lo chu toàn. Nhiều lần tang quyến xúc động cảm ơn tôi trong nước mắt, rồi ông cháu cứ ôm nhau giữa đường mà khóc", ông Oanh rơm rớm kể.
Món nợ 50 đồng
Ông Oanh kể, thời trước gia đình ông rất nghèo. Đến khi kết hôn, vợ chồng ông sinh 5 người con. Gia đình 7 người luôn trong tình trạng thiếu ăn, có hôm cả nhà chỉ còn bát cơm nguội, ông Oanh và vợ nuốt cay cực, nhường cho các con ăn.
Gia tài chỉ có chiếc xe đạp, ông Oanh thời đó rong ruổi khắp nẻo đường nhặt ve chai kiếm tiền nuôi 7 miệng ăn.
Ông Oanh kể, ký ức ám ảnh cả cuộc đời ông chính là người bố làm nghề đạp xích lô, đến khi mất cũng không có tiền lo hậu sự.
"Bố tôi mất vẫn không được nằm trên giường, tôi phải tháo cánh cửa nhà, đặt trên nền đất rồi bỏ lên 4 viên gạch kê thành 4 góc cho bố nằm. Bố tôi nằm đó 2 ngày vẫn chưa thể đem chôn vì gia đình không xoay nổi tiền mua tấm áo quan", ông Oanh nghẹn ngào.
Gom hết tài sản trong nhà mang bán, cộng thêm tiền phúng điếu, ông Oanh đếm đi đếm lại vẫn chỉ được 150 đồng, còn thiếu 50 đồng mới đủ mua cỗ ván.
"Nhìn bố nằm ở đó, tôi đau lòng, đến lạy lục chủ tiệm cho khất tiền mua quan tài. Sau này lâu quá tôi chưa trả được, người ta còn kiện ra công an", ông Oanh gạt nước mắt.
Sau đó, ông Oanh đi làm tài xế xe ba gác 3 năm mới trả xong nợ, rồi dần có tiền dư dả lo cho gia đình.
Năm 1980, trong lúc đang đi nhặt ve chai, ông nhìn thấy từ bệnh viện, chiếc xe đẩy đưa thi thể các bệnh nhi ra ngoài. Ông Oanh để ý thấy có những đứa trẻ không có quan tài để chôn cất, phải bỏ tạm bợ vào thùng, vào tải để mang về quê.
"Lúc đó tôi sực nhớ lại khoảnh khắc bố tôi phải nằm trên nền đất, chờ 2 ngày mới có hòm chôn. Tôi đau lòng và nguyện phải làm gì để giúp đỡ các gia đình xấu số trong cảnh tương tự", ông trải lòng.
Bán hết đất đai, tiền nhặt ve chai, ông mang đi mua quan tài. Ông cũng mua nhang, đũa, đi tới các đám tang học lỏm rồi về nhà tập cách làm lễ bái quan, di quan và các nghi thức đưa tiễn người nằm xuống.
"Người ta đi ngang nhìn thấy, bảo rằng tôi nghèo nên... điên. Vợ tôi không ủng hộ, mãi đến lúc mất cũng không thay đổi ý định", cụ ông nói.
Dần dà, càng nhiều người biết đến ông hơn. Có người xung phong phụ ông một tay, cũng có người chủ động tặng quan tài, gửi đến để ông Oanh giúp người. Mỗi cuối tuần, ông Oanh và nhóm mai táng của mình sẽ ra công viên để tập các nghi lễ.
Đã quá tuổi xưa nay hiểm, dù không có chút tài sản nào trong tay, ông Oanh vẫn nói mình "rất sướng". Bản thân ông hài lòng với cuộc đời và chưa từng nghĩ nếu ngày đó không làm việc này, đời ông sẽ sang trang mới.
"Tôi sướng vì đã không làm ngơ khi người ta chết trong cảnh khó mà không ai giúp. Tôi sướng vì gia đình của người đã khuất được an ủi phần nào. Đến giờ, tôi chỉ còn ước nguyện lớn nhất là tìm được người đồng hành, kế nghiệp, bởi khi tôi ngã xuống, ai sẽ sẵn sàng tiếp tục hành trình này?", người đàn ông bộc bạch.