Người cựu binh già và 2 thập kỷ lặn lội đi tìm hài cốt đồng đội
(Dân trí) - Thời chiến, ông Huỳnh Trí ở (An Giang) tham gia chiến đấu. Thời bình Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí lại dành gần 2 thập kỷ tìm hài cốt đồng đội đưa về đất mẹ.
Một ngày gần cuối tháng 7, phóng viên Dân trí tìm về nhà ông Huỳnh Trí (tên thường gọi là ông Hai Trí) - Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang để nghe ông kể chuyện hàng nghìn lần đi tìm mộ đồng đội.
17 tuổi theo cách mạng
Ông Hai Trí năm nay đã 74 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Trong căn nhà cấp 4 ông đang ở (huyện Châu Thành, An Giang), phòng khách được bày biện đầy kỷ vật, hình ảnh của ông trong những năm tháng chiến đấu vì Tổ quốc.
Bên tách trà, người Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí mở quyển sổ nhật ký dày cả gang tay kể về những chuyến "dò đường, đào xương" lắm gian truân.
Ông Hai Trí kể, gia đình ông có truyền thống yêu nước, cha và các chú đều làm cách mạng. Thời chiến, gia đình ông ở huyện An Phú, An Giang - một địa phương biên giới, hẻo lánh thường xuyên bị giặc đến đánh phá.
"Chúng đốt nhà tôi 3 lần. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những cuộc trốn chạy cùng mẹ và cô Út, vô số lần suýt chết. Từ chỗ đó đến năm 17 tuổi tôi tình nguyện làm du kích mật, thường chạy đưa công văn, giấy tờ, làm liên lạc cho cách mạng", ông Hai Trí bồi hồi nhớ lại chuyện xưa.
Suốt những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ông vào sinh ra tử, nhiều lần bị thương. Hòa bình lập lại chưa lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông lại ra chiến trường. Chiến tranh kết thúc, tiếp tục cống hiến tới khi xin nghỉ hưu sớm ông lại xách ba lô lên đường.
Lời hứa với đồng đội
Năm 52 tuổi, ông Hai Trí xin nghỉ hưu sớm. Và hơn hết ông muốn dành phần sức còn lại thực hiện lời hứa năm xưa với người đồng đội đã khuất tên "Nghiệp".
"Nghiệp nhỏ hơn tôi 2 tuổi, chú ấy là người rất thân với tôi trong đơn vị, chú đội trưởng còn tôi đội phó. Chú Nghiệp từng nói nếu chú ấy có mệnh hệ gì xin hãy tìm hài cốt anh chôn cất, hằng năm làm đám giỗ.
Câu nói ấy như lời trăn trối định mệnh. Sau phát súng trước ngực chú đã ngã xuống hy sinh. Tôi coi câu nói đó như phần trách nhiệm của mình với các anh em dùng máu thịt giành hòa bình", người lính già xúc động nói.
Việc đầu tiên ông Hai Trí làm khi nghỉ hưu là lên kế hoạch chi tiết về thông tin mộ chí. Từ năm 1998, người lính già bắt đầu lặn lội tìm thi hài đồng đội. Ông đến vùng Tịnh Biên, Tri Tôn hỏi thăm người dân để thu thập thông tin. Mỗi khi xác định được chính xác, ông sẽ thông báo với Huyện đội địa phương hỗ trợ cùng tìm kiếm.
"Khi sang tìm hài cốt ở Campuchia lại khó khăn vô cùng. Cuối năm 2000, tôi viết thư gửi Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ, đề đạt nguyện vọng sớm có đội quy tập chính quy, quy mô hơn. May mắn là chỉ vài tháng sau, một loạt đơn vị như thế được thành lập.
Ở An Giang, đội tìm kiếm K93 (Đội chuyên trách trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) cũng được ra đời. Nhờ thế công tác tìm kiếm được thuận lợi hơn", ông Hai Trí nói với phóng viên.
Nói về khó khăn trải qua, ông Hai Trí cho hay không thể kể hết trong một sớm một chiều. Ông bảo, một lần sang Koh Thum (tỉnh Kandal, Campuchia) thu thập tin tức, đội công tác phát hiện khu vực có hài cốt liệt sĩ nằm dưới nhà máy xay lúa, họ phản đối việc đào bới. Anh em trong tổ kiên trì năn nỉ gần cả tháng gia chủ mới cho đào đất, kết quả khi moi lên có 2 bộ hài cốt.
Một trường hợp khác cũng ở nước bạn Campuchia, người cha đồng ý cho bộ đội đào đất còn người con trai lại quyết liệt ngăn cấm. Thấy cứng không được, ông Hai Trí đổi sang năn nỉ, ngọt nhạt bày tỏ bằng tình cảm chân thành sau hơn một tuần anh con trai mới cho cả đội cất bốc.
"Lúc đó tôi suy nghĩ nếu không xin được chắc tôi phải quỳ lạy anh ấy. Cũng may anh ta cảm động được tấm lòng thành của chúng tôi. Nhờ sự kiên trì đó khi đào đất lên phát hiện mười mấy bộ hài cốt", ông Hai Trí cười nói.
Cứ thế, sự kiên trì và lòng thành tín đã giúp người lính Huỳnh Trí thực hiện được lời hứa năm xưa với đồng đội, hơn thế ông còn mang rất nhiều thi hài của chiến sĩ Việt Nam về với đất mẹ.
Khi được hỏi làm sao có thể phân biệt giữa lính Campuchia, quân Mỹ - Ngụy và bộ đội ta, ông Hai phân tích dựa trên chiếc mũ, thắt lưng, đôi dép, đặc biệt là dây thừng bao quanh thi thể, chỉ lính Việt Nam mới có.
Những thi thể được đưa về một số được gia đình đem về an táng, số này có rất ít, một số có tên tuổi rõ ràng nhờ vào hồ sơ mộ chí, nhưng nhiều nhất là những chiến sĩ "vô danh".
Từ năm 2018 đến nay, vì sức khỏe ông Hai Trí không thể trực tiếp đi tìm hài cốt như trước. Dẫu vậy khi nắm bắt được thông tin nào ông sẽ báo về đội K93 tổ chức tìm kiếm.
"Dù còn một phần sức tôi cũng cố gắng tìm thi thể anh em về chôn cất. Không muốn để sót người nào...", người lính U80 ngấn lệ nói.
Câu đầu tiên vợ hỏi là tìm được bao nhiêu hài cốt
Theo ông Hai Trí, hơn 20 năm qua, ngoài sức giúp sức của đội K93, ông còn nhận được sự tiếp sức của vợ là bà Nguyễn Ngọc Hương (nữ thanh niên tải đạn).
"Mỗi lần tôi điện thoại về, câu đầu tiên bà ấy hỏi đều là tôi cất bốc được bao nhiêu thi hài rồi. Từ chỗ đó tôi biết vợ luôn ủng hộ, quan tâm việc của mình", ông Hai Trí tâm sự.
Tuy không nói ra, nhưng người cựu chiến binh vô cùng cảm kích trước sự bao dung và thấu hiểu của vợ. Nhờ sự cổ vũ của bà Hương mà ông Hai luôn vững tin vào con đường phía trước.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Thanh Châu - Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh An Giang cho biết, chuyện của ông Hai Trí trở thành điểm sáng khi nhắc về những hành động đẹp của người lính trong thời bình. Hơn 2 thập kỷ qua, ông cất công tìm và đưa hàng nghìn hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang an táng.
"Hành động của ông Hai Trí rất cao đẹp và thiêng liêng. Bây giờ dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông ấy vẫn luôn cố gắng tìm kiếm thi hài của liệt sĩ đã hy sinh", ông Châu bày tỏ.