1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người cao tuổi "đi học" bán trú mỗi ngày

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - "Đến lớp" vào mỗi sáng và được đón về nhà mỗi buổi chiều, cụ ông Phạm Thanh Kỷ ở Hà Nội tiếc nuối, giá vợ không bị tai biến, không thể đi lại, ông sẽ đăng ký cho vợ "đi học" bán trú cùng.

Thích thú với "lớp bán trú" lớn

8h sáng, chiếc xe đưa đón dừng trước cửa một trung tâm dưỡng lão thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cụ Phạm Thanh Kỷ (85 tuổi, trú tại một khu chung cư trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm) và những người bạn già được các điều dưỡng viên đón tại cửa và đưa vào khu vực kiểm tra sức khỏe. Cụ ông bắt đầu một ngày "lên lớp".

Tại viện dưỡng lão, cụ Kỷ sinh hoạt chung phòng với 20 người bạn đồng niên khác. Sau bữa ăn phụ buổi sáng, cụ Kỷ và các bạn bắt đầu bài thể dục vận động buổi sáng.

Người cao tuổi đi học bán trú mỗi ngày - 1

Cụ ông Phạm Thanh Kỷ (85 tuổi) tại trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Kể về lịch trình của mình, cụ Kỷ chia sẻ, gần 1 năm qua đều đặn mỗi sáng cụ được con trai đưa đến trung tâm chăm sóc người cao tuổi, chiều tối được đón về nhà. Mới đầu chỉ đi 3 buổi/tuần, sau đó thấy cụ sức khỏe ổn định, tăng cân, tinh thần vui vẻ, con trai của cụ quyết định đăng ký cho bố "đi học" cả tuần.

"Tôi giờ gần giống trẻ con đi học bán trú. Trước thì tuần đi 3 buổi, một thời gian sau thấy sức khỏe tốt hơn hẳn, ăn ngon hơn và tăng cân nên cả con và tôi thống nhất đăng ký "đi lớp" từ thứ 2 đến thứ 6. Các con không cho đi hết tuần vì muốn cuối tuần cả gia đình cùng quây quần, nghỉ ngơi", cụ Kỷ chia sẻ.

Hiện tại cụ ông 85 tuổi đang sống cùng con trai tại một khu căn hộ trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. 2 năm trước cụ bà bị đột quỵ, ngã ở nhà không ai biết. Sau lần thập tử nhất sinh, cụ bà giờ phải thuê người chăm sóc 24/24 tại nhà. Cụ Kỷ sức khỏe cũng yếu đi mỗi ngày khi 2/3 dạ dày đã phải cắt, rồi vôi hóa đốt sống cổ.

Cụ chia sẻ, thời gian ở nhà chỉ quanh quẩn từ giường ra phòng khách xem ti vi, con cháu đi làm, đi học nên cụ không biết trò chuyện, bầu bạn với ai. Hơn 1 năm trước, cụ Kỷ ngã cầu thang khi ở nhà một mình. Con cái sau đó bàn nhau, không thể để bố ở nhà một mình như vậy nhưng cũng không muốn đưa cụ vào viện dưỡng lão nên tìm đến trung tâm chăm sóc sức khỏe bán trú.

"Ở nhà có người giúp việc nhưng thấy bố ngã như vậy các con cũng lo. Ông thông gia biết chuyện nên giới thiệu tôi đến trung tâm bán trú. Con trai cũng động viên, bảo bố ở nhà buồn thì bố đến đây cho có bạn bè, có người chăm sóc cẩn thận, các con cũng yên tâm.

Gần 1 năm ở đây đúng là tôi khỏe ra, nhờ đọc sách báo, giao lưu trò chuyện nên trí nhớ cũng cải thiện. Nếu vợ còn khỏe thì tôi cũng đăng ký cho bà ấy "đi lớp" cùng. Đến đây mỗi ngày như đi chơi rồi chiều lại về với con cháu", cụ Kỷ cho biết.

Người cao tuổi đi học bán trú mỗi ngày - 2

Cụ bà Nguyễn Thị Thanh (85 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Một người bạn già của cụ Kỷ ở trung tâm là cụ Nguyễn Thị Thanh (85 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ở với con gái nhưng thấy con kín lịch công tác, cụ Thanh quyết định "đi lớp" để không thành gánh nặng cho con.

"Trước tôi ở nhà một mình, con đi công tác suốt, đến bữa cơm chán không muốn ăn nhưng đến đây có bạn, tôi ăn ngon hơn và nhiều hơn. Lúc trước ở nhà một mình buồn, cứ được lúc lại cầm điện thoại gọi con, hết đứa này đứa khác, nghĩ bọn trẻ cũng phải bận tâm quá", cụ Thanh kể.

Hiện tại, cụ Thanh cũng "đến trường" từ thứ 2 đến thứ 6, hai ngày cuối tuần ở nhà sinh hoạt, vui chơi cùng các con, cháu trong gia đình.

"Đi học bán trú" thành từ các con cháu cũng như các nhân viên viện dưỡng lão thường gọi vui với các cụ. 

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từ sớm 

Tại Hà Nội, không hiếm trường hợp như cụ Kỷ, cụ Thanh. Nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ chăm sóc người già ngắn ngày khi bận đi công tác, đi du lịch… không sắp xếp được người trông nom, chăm sóc cha mẹ.

Chi phí cho dịch vụ này từ 500.000 - 600.000 đồng/ngày. Tại đây các cụ già được chăm sóc ăn uống, chú trọng sức khỏe, được tham gia các hoạt động sinh hoạt, giao lưu cùng các thành viên…

Người cao tuổi đi học bán trú mỗi ngày - 3

Nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ chăm sóc người già ngắn ngày khi bận đi công tác, du lịch.

Người đứng đầu trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại quận Bắc Từ Liêm cho biết, các cụ già tìm đến viện dưỡng lão hầu hết là người ốm, sức khỏe yếu, cần hỗ trợ chăm sóc rất nhiều.

"Người cao tuổi thường không được chăm sóc một cách khoa học về sức khỏe và chế độ dinh dưỡng dẫn tới diễn biến bệnh tình nặng hơn. Chúng tôi rất trăn trở là tại sao không chăm sóc khi bố mẹ, ông bà còn khỏe mà để đến khi ốm rồi mới tính việc hỗ trợ các cụ", nữ giám đốc trung tâm cho biết, mô hình Daycare (chăm sóc ban ngày) ra đời với mong muốn các cụ già được chăm sóc sức khỏe từ sớm.

Thực tế, nhiều gia đình có điều kiện thuê giúp việc về để chăm sóc cha mẹ nhưng hiện tại, hầu hết người giúp việc nhà ở Việt Nam đều chưa được đào tạo kiến thức về y tế, chăm sóc sức khỏe.

Hơn nữa, ở nhà rất khó hướng các cụ vào một môi trường sinh hoạt nề nếp, nhiều khi các cụ thích thì ăn, không thích là bỏ bữa, lâu dần ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người cao tuổi đi học bán trú mỗi ngày - 4

Tại "lớp bán trú", các cụ cao tuổi có giờ sinh hoạt, trò chuyện trước bữa ăn trưa, nghỉ ngơi và vận động .

Đánh giá sơ bộ, trung tâm chăm sóc ban ngày đáp ứng được nhu cầu, hướng người cao tuổi đi đến nề nếp sinh hoạt, luyện tập khoa học. Việc tập luyện thường xuyên, ăn uống điều độ, đúng dinh dưỡng, bệnh lý có thể kịp thời phát hiện những vấn đề sức khỏe phát sinh.

Dịch vụ phát triển, các gia đình có nhiều lựa chọn, có thể đăng ký gói ngày, gói tuần, gói tháng tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Sau khi trực tiếp trải nghiệm dịch vụ, hầu hết các gia đình đều ưng ý và quyết định lựa chọn lâu dài, có người đóng liền 6 tháng học phí cho bố mẹ.

Mô hình có khả năng tổ chức tại nhiều quận huyện, để nhiều đối tượng người cao tuổi có điều kiện kinh tế thấp cũng được hưởng chế độ, dịch vụ tốt nhất.