Người bệnh cấp cứu giữa đêm, không có tiền rất khó khăn khi tự mua thuốc
(Dân trí) - Người bệnh tự "bỏ tiền túi" để mua thuốc còn dễ gặp các rủi ro như chất lượng thuốc khó đảm bảo, giá thuốc bất hợp lý… làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và an toàn điều trị của người bệnh.
Rủi ro khi bỏ tiền túi mua thuốc
Vừa qua, Bộ Y tế dự thảo Thông tư thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế (VTYT) trực tiếp cho người tham gia BHYT.
Theo dự thảo, việc thanh toán chi phí trực tiếp cho người tham gia BHYT được thực hiện khi người bệnh (hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp) mua thuốc, VTYT tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực.
Để được thanh toán, người bệnh xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư được bác sĩ chỉ định kèm hóa đơn đã mua hợp lệ để làm căn cứ, chứng từ.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đề xuất này hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập do theo quy định, cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm phải cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, VTYT và dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh đúng quy định để đảm bảo người bệnh được điều trị hiệu quả, an toàn và được phục vụ tốt nhất, nhanh nhất.
Việc người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, VTYT sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Người bệnh không chỉ tự "bỏ tiền túi" để mua thuốc mà còn dễ gặp các rủi ro như: chất lượng thuốc khó đảm bảo, giá thuốc bất hợp lý… làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và an toàn điều trị của người bệnh.
"Chưa kể, nhiều trường hợp bị bệnh nặng, cấp cứu không có người thân đi cùng, thời điểm giữa đêm khuya hoặc người bệnh không có tiền… sẽ rất khó khăn trong việc phải tự đi mua thuốc, VTYT", Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu.
Xác định trường hợp đặc biệt thanh toán trực tiếp
Dù cơ quan Bảo hiểm xã hội có cố gắng đến mấy vẫn không thể thanh toán trực tiếp ngay cho người bệnh vì người bệnh sau khi kết thúc đợt KCB mới nộp hồ sơ đề nghị thanh toán.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm phải có thời gian để giám định xác định chi phí thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT thì mới thực hiện thanh toán được cho người bệnh.
Quy định này đã phá vỡ ý nghĩa về chia sẻ rủi ro của BHYT, gây mất niềm tin của người tham gia BHYT.
Mặt khác, tình trạng thiếu thuốc, VTYT đã được các cấp, các ngành tập trung vào cuộc tháo gỡ, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản.
Theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 Chính phủ, cơ sở KCB phải đảm bảo việc cung ứng thuốc, hóa chất, VTYT phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn.
Ngoài ra, để có nguồn kinh phí hoạt động cho cơ sở KCB, cơ quan BHXH đều thực hiện tạm ứng từ đầu mỗi quý và sẽ thực hiện thanh quyết toán chi phí cho cơ sở KCB vào quý sau.
Từ nguồn kinh phí này, trách nhiệm của cơ sở y tế phải cung cấp đầy đủ thuốc và VTYT cho người tham gia BHYT theo đúng quy định, không để người bệnh tự đi thanh toán chi phí thuốc, VTYT, sau đó cơ sở KCB sẽ quyết toán với cơ quan BHXH.
Để tạo thuận lợi cho người bệnh được đảm bảo quyền lợi BHYT ngay tại cơ sở KCB và vì tính an toàn điều trị của người bệnh, Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở KCB chịu trách nhiệm, đảm bảo cung ứng thuốc, VTYT đầy đủ theo quy định.
Mặt khác, thay vì áp dụng chung với tất cả các trường hợp, Bộ Y tế cũng cần xác định đâu là trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo đúng quy định tại Luật BHYT và có hướng dẫn thanh toán theo hướng quy định cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh, tổng hợp thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm kịp thời quyền lợi của người bệnh, không gây khó cho người bệnh.