Nghỉ việc trước tuổi hưu được hưởng trợ cấp thôi việc và thất nghiệp
(Dân trí) - Với lao động làm việc theo hợp đồng trước năm 2009 thì khi nghỉ việc, họ được nhận trợ cấp thất nghiệp cho thời gian từ 2009 trở đi và trợ cấp thôi việc cho thời gian trước năm 2009.
Ông Linh sinh tháng 6/1964, bắt đầu đi làm từ tháng 2/1987, có vài giai đoạn ngưng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhưng chưa rút BHXH một lần. Từ tháng 1/2014, ông tham gia BHXH liên tục đến nay.
Ông hỏi: "Do điều kiện gia đình nên tôi muốn xin thôi việc. Trong quá trình công tác, tổng thời gian tham gia BHXH của tôi là 23 năm 9 tháng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 10 năm 5 tháng. Vậy khi thôi việc, tôi sẽ được hưởng những khoản trợ cấp nào? Tôi có được hưởng lương hưu không? Đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm gì với tôi không?".
Theo BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Tuy nhiên, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu theo quy định tối đa 5 tuổi.
Người lao động có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò thì có thể nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu theo quy định tối đa 10 tuổi.
Điều kiện hưởng lương hưu là người lao động phải đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trên (hoặc người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao) và khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Đối chiếu với quy định trên, ông Linh sinh tháng 6/1964, làm việc trong điều kiện lao động bình thường, có hơn 23 năm đóng BHXH bắt buộc được ghi nhận trên sổ BHXH thì thời điểm nghỉ hưu và được hưởng lương hưu là tháng 10/2025.
Theo BHXH Việt Nam, trường hợp ông Linh muốn nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường thì còn phụ thuộc vào mức suy giảm khả năng lao động (nếu có).
Nếu thời điểm hiện tại ông Linh nghỉ việc và chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có thể xem xét được nhận trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm. Theo đó, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ 4 điều kiện.
BHXH Việt Nam cho biết: "Trường hợp khi thôi việc, bạn chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, nếu bạn đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp do Trung tâm Dịch vụ việc làm giải quyết. Đồng thời, bạn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp".
Theo BHXH Việt Nam, ngoài các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nêu trên, ông Linh còn có thể được xem xét hưởng trợ cấp thôi việc cho thời gian làm việc mà không tham gia bảo hiểm thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ ngày 1/1/2009).
Trợ cấp thôi việc được quy định tại Điều 46 Bộ Luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định.
Nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc thì mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được người sử dụng lao động trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Khi nghỉ việc, BHXH Việt Nam đề nghị ông Linh làm việc với đơn vị sử dụng lao động để được hướng dẫn, xem xét xử lý.