Nghỉ việc ở tuổi 35, cần làm gì để hưởng lương hưu tối đa?
(Dân trí) - Ở tuổi 35, khi nghỉ việc và muốn hưởng chế độ lương hưu tối đa thì phải đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 30 năm và hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi.
Bảo hiểm xã hội TPHCM (BHXH) vừa có thông tin phản hồi những thắc mắc của bạn đọc Dân trí liên quan đến vấn đề hưởng lương hưu trước tuổi, lương hưu tối đa.
Những trường hợp nào được hưởng lương hưu trước tuổi?
Người lao động thuộc trong các trường hợp sau có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành; đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021; bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Nghỉ việc ở tuổi 35, cần làm gì để hưởng tối đa lương hưu?
Ở tuổi 35, khi nghỉ việc, người lao động cần đóng tiếp BHXH tự nguyện đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí. Để đảm bảo tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, người lao động cần đóng đủ 30 năm BHXH và hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi.
Nghỉ hưu năm 2022, đóng đủ 22 năm BHXH, lương hưu mỗi tháng được nhận bao nhiêu?
Lương hưu hằng tháng bằng tỷ lệ hưởng nhân với mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH. Theo đó, đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH và 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu năm 2022, nếu đóng đủ 22 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 59% tiền lương tháng đóng BHXH. Lao động nam nghỉ hưu năm 2022, nếu đóng đủ 22 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 49% tiền lương tháng đóng BHXH.
Mức đóng BHXH tự nguyện một lần cho tháng còn thiếu để nhận lương hưu?
Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần. Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện là tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện đã được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.
Đóng đủ 20 năm BHXH, đủ tuổi nghỉ hưu, có được rút BHXH một lần?
Theo điểm a, b khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, người lao động được nhận BHXH một lần khi đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Bên cạnh đó, người lao động sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục BHXH cũng sẽ được nhận BHXH 1 lần.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu và đủ 20 năm đóng BHXH sẽ không được nhận BHXH một lần. Thay vào đó, người lao động sẽ được hưởng lương hưu theo quy định.
Có thể xin đóng BHXH cao hơn để tăng lương hưu?
Điều 89 Luật BHXH năm 2014 về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định như sau: Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, với các quy định nói trên thì không thể đóng bảo hiểm theo tổng thu nhập thực nhận mỗi tháng bởi trong đó có nhiều khoản không thuộc diện phải đóng bảo hiểm bắt buộc. Hơn nữa, khi đóng bảo hiểm theo mức thu nhập thực nhận của người lao động thì doanh nghiệp cũng phải tăng chi phí cho BHXH nên cũng khó có thể được chấp nhận.