1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề đánh bóng lư đồng ngày Tết

Chỉ còn vài hôm nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là giai đoạn tăng tốc rất quyết liệt của những người chuyên làm nghề đánh bóng lư đồng có mặt trên khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn.

Ở nông thôn Nam bộ, hầu hết gia đình đều có một bộ lư đồng để trên bàn thờ làm tăng thêm vẻ trang trọng khi thờ cúng ông bà, gia tiên. Tùy thuộc kinh tế gia đình mà kích thước, trọng lượng bộ lư lớn hay nhỏ, hoa văn, hoạt tiết cũng khác nhau.

Một số gia đình khác lại sử dụng các bộ lư bằng thau tuy không sáng ánh và nhẹ như lư đồng nhưng rẻ tiền, phù hợp túi tiền gia chủ nhưng vẫn không kém phần trang nhã.

Nghề đánh bóng lư đồng ngày Tết - 1

Ở thành thị, số gia đình tuy hiếm hoi hơn nhưng vẫn còn một số người vẫn trang trí ở bàn thờ gia tiên. Thông thường, một bộ lư sẽ gồm một bát lư chính và hai cái chân đèn kèm theo, có nơi còn kèm theo một lư hương nhỏ phía trước để cắm nhang.

Cứ vào khoảng 20 tháng Chạp là các gia đình chuẩn bị chùi rửa lư đồng của gia đình để chuẩn bị đón Tết. Từ thời điểm trên cũng là lúc dịch vụ đánh bóng lư đồng hoạt động khá rầm rộ.

Thường có hai dịch vụ đánh bóng đang phổ biến. Một là các điểm đánh bóng cố định được đặt ở các chợ, các khu đông dân cư, bến tàu xe…

Hai là các dịch vụ đánh bóng lưu động len lỏi vào tận xóm ấp, các con hẻm tại các khu phố… Người hành nghề di chuyển bằng xe gắn máy, có người lại chọn giải pháp đi bộ để dễ len lỏi, cơ động vào tận hẻm sâu các con phố hay những địa hình trắc trở ở khu vực nông thôn.

Anh Nguyễn Hoàng, ngụ Quảng Ngãi, làm nghề này đã 6 năm nay cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng 12 âm lịch, anh mang đồ nghề vào Sài Gòn để hành nghề đánh bóng lưu động, làm cật lực đến 29 Tết trừ hết các khoản chi cũng kiếm được 4-5 triệu đồng về quê đón Tết…”.

Nghề đánh bóng lư đồng ngày Tết - 2

Anh Hoàng cho biết thêm: “Dụng cụ hành nghề chủ yếu là mô tơ đánh bóng, vật liệu tẩy, làm sáng và phương tiện đi lại nên cũng không quá đắt tiền, chủ yếu là làm chất lượng, giá phải chăng và luôn giữ “mối” ở các gia đình mỗi năm đều đánh bóng lư đồng. Có khi lại được chủ gia tặng quà mang về quê vì hài lòng với chất lượng đánh bóng đẹp, sáng, cẩn thận”.

Bà Lê Thị Tám, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long kể thêm: “Ngày Tết mà, phải làm đẹp bàn thờ để đón ông bà, tổ tiên, vả lại giá cả cũng chấp nhận được, đỡ công chùi rửa, nên năm nào cũng đánh bóng…”. Giá đánh bóng một bộ lư đồng khoảng 100.000 - 200.000 đồng tùy thuộc vào độ lớn và sự cầu kỳ của bộ. Cá biệt có bộ phải trả đến 500.000 đồng vì độ cầu kỳ, sắc sảo của các hoa văn bố trí trên các bộ lư.

Để đánh được một bộ lư đồng vừa đẹp vừa bóng phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó công đoạn làm bóng là khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, tỉ mỉ vì chỉ cần một chút sơ suất có thể làm hư cả bộ lư. Thời gian hoàn thành một bộ lư đồng mất ít nhất một ngày lao động cần mẫn.

Anh Lê Trọng Trí, ngụ An Giang - người đã có 25 năm làm nghề này chia sẻ: “Để đánh bóng một bộ lư đồng như mới, nghe thì đơn giản nhưng cũng lắm công phu, nhất là gặp những bộ lư lớn, chạm trổ tinh xảo, gia chủ xem như bảo vật gia truyền nên phải thật cẩn thận khi đánh bóng, lơ mơ là bị bồi thường như chơi”.

Sau khi tháo rời toàn bộ lư đồng, đồ đồng được quét dung dịch tẩy rửa rồi đưa vào máy quay mô tơ để mài cho hết lớp bụi bẩn, bạc màu. Sau đó đánh bóng, chà lên một lớp bột tẩy, bột bóng để cho đồ vật được bóng loáng, trơn nhẵn và chống oxy hóa. Khi đánh lư đồng, tay thợ phải khéo léo, tỉ mẩn, làm sao để lư đồng được bóng loáng mà không bị trầy xước, biến dạng.

Công việc này khá mệt nhọc khi phải ngồi hàng giờ liền. Bên cạnh đó người thợ còn phải đối mặt với độc hại từ bụi do cọ xát lư đồng và cả những chất hóa học mà dân trong nghề sử dụng như lơ đánh bóng, bột làm sáng. Nhưng vì mưu sinh và là nghề gia truyền nên thợ đành chấp nhận.                           

Ngày tết có được số tiền đón Xuân tuy có vất vả nhưng là niềm vui của những người đã và đang làm nghề đánh bóng lư đồng hôm nay.

Theo Trương Thanh Liêm/Doanh nhân Sài gòn