Nghệ An: Giảm hơn 9% hộ nghèo trong vòng 5 năm

(Dân trí) - Đầu năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo tại Nghệ An chiếm 12,1%, ước tính hết năm 2020, tỉnh này còn khoảng 3% hộ nghèo. Trong 5 năm, bình quân mỗi năm Nghệ An giảm 2% hộ nghèo.

Nghệ An: Giảm hơn 9% hộ nghèo trong vòng 5 năm - 1
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình giảm nghèo bền vững.

Sáng 27/10, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Nghệ An chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo tại Hội nghị, vào đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh chiếm 12,1%, tương đương 95.205 hộ; số hộ cận nghèo còn 10,23%, tương đương 80.464 hộ. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 4,11%, với 41.041 hộ; cận nghèo chiếm 7,35%, tương đương 75.389 hộ. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo tại Nghệ An giảm 2%/năm.

Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn khoảng 3% hộ nghèo.

Nghệ An: Giảm hơn 9% hộ nghèo trong vòng 5 năm - 2
Chương trình hỗ trợ người dân thoát nghèo tại Nghệ An nhận được sự chung tay từ các tổ chức, đơn vị.

Riêng với 4 huyện nghèo gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 54,26% (đầu năm 2016) xuống còn 30,38% (năm 2019). Bình quân mỗi năm các huyện nghèo giảm 5,97% hộ nghèo, vượt mục tiêu giảm 3 - 4%/năm đề ra.

Trong giai đoạn này, thông qua các chính sách giảm nghèo hỗ trợ từ Trung ương, cơ chế của tỉnh và vận động xã hội hóa, toàn tỉnh đã huy động được số tiền gần 18.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1-1,5%, trong đó vùng miền núi giảm 2 - 3%. Đến cuối năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo tại Nghệ An phấn đấu giảm xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước.

Từ nguồn kinh phí này, tỉnh đã đầu tư xây dựng được hàng ngàn công trình hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, xây dựng được một số mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; kết cấu hạ tầng cơ sở ngày càng được hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên rõ nét, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc.

Mặc dù công tác giảm nghèo đã có nhiều kết quả tích cực nhưng tỉ lệ hộ nghèo của Nghệ An vẫn còn cao hơn mức bình quân cả nước (cuối năm 2019, Nghệ An còn 4,11% hộ nghèo trong khi đó tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn 3,75%). Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, vẫn còn hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn đang còn 1.340 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng.

Nghệ An: Giảm hơn 9% hộ nghèo trong vòng 5 năm - 3
Nhân dịp này, UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Nghệ An chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.

Ngoài việc bình xét, xếp loại hộ nghèo ở nhiều nơi còn thiếu chính xác, gây mất công bằng thì một nguyên nhân quan trọng khiến công tác giảm nghèo ở Nghệ An chưa bền vững là các cấp ngành chưa có đánh giá một cách cụ thể về nguyên nhân nghèo để từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện các chương trình an sinh xã hội, các mô hình sinh kế, đề án phát triển kinh tế còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban Tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tập trung làm tốt công tác rà soát hộ nghèo một cách chính xác; đánh giá nguyên nhân và tìm ra biện pháp hỗ trợ đúng và trúng để các chính sách giảm nghèo phát huy hiệu quả tối đa.

Bên cạnh đó, để công tác giảm nghèo hiệu quả, các địa phương cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn để đẩy nhanh tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.

Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để các cấp, các ngành và đặc biệt người dân tự biết vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Hoàng Lam