Nên chăng đưa bơi lội vào môn học chính khóa?
(Dân trí) - Thảo luận về vấn đề phòng, chống đuối nước ở trẻ em, đại diện một số Sở, ngành của Thanh Hóa cho rằng, cần thiết phải lắp bể bơi trong trường học và nên chăng đưa bơi lội vào môn học chính khóa.
Lo ngại về tỷ lệ trẻ biết bơi
Theo báo cáo, từ 2020 đến tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 99 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó, 80 trẻ em bị tử vong do đuối nước (chiếm tỷ lệ 80,8%).
Huyện Thiệu Hóa là một địa phương có mạng lưới sông, ngòi, ao, hồ dày đặc, nguy cơ cao đuối nước ở trẻ em. Đầu tháng 4/2022, địa bàn này đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh lớp 6 tử vong. Với 25 xã, thị trấn và có hơn 38 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, nhưng Thiệu Hóa này chỉ có 4 bể bơi tư nhân và tỷ lệ trẻ biết bơi chỉ đạt 25%.
Không riêng huyện Thiệu Hóa, tỷ lệ trẻ biết bơi trên toàn địa bàn tỉnh Thanh Hóa dù chưa được thống kê cụ thể, tuy nhiên theo đánh giá của ngành chức năng là còn hạn chế.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng, một huyện có đông trẻ em và mạng lưới sông, ngòi như Thiệu Hóa mà chỉ có 25% trẻ biết bơi là rất đáng lo ngại.
Ông Nam kiến nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cần tính toán số trẻ em đã được học bơi và số trẻ em từ 6-16 tuổi chưa được học bơi và các kỹ năng an toàn. Đồng thời, dự toán kinh phí một học sinh cần bao nhiêu để có thể học bơi an toàn, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp vận động, đầu tư ngân sách để trẻ em trong độ tuổi được học bơi an toàn.
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ. Trong thời gian tới, ông đề nghị Thanh Hóa cần tăng dần ngân sách đầu tư của tỉnh cho công tác này.
Theo ông Cao Khả Thọ, Chuyên viên Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), dù chưa đến hè nhưng số vụ cũng như số trẻ bị đuối nước của năm 2022 tăng cao, đây là con số nhức nhối. Riêng với tỉnh Thanh Hóa, ông Thọ đề nghị cần thống kê cụ thể số trẻ biết bơi, chưa biết bơi. Cần phải cụ thể số hồ bơi trong nhà trường và hồ bơi do xã hội hóa bên ngoài?
Cũng theo chia sẻ của ông Thọ, tại tỉnh Quảng Bình có 54 hồ bơi, riêng huyện Lệ Thủy có 22 hồ bơi trong trường học, tỷ lệ học sinh biết bơi của cấp Tiểu học là 85% và THCS trở lên là 95%. Hồ bơi đa phần là xã hội hóa, một số nguồn do UBND xã đầu tư phối hợp với các ban, ngành và giao cho nhà trường vận hành. Chuyên viên Vụ giáo dục thể chất nhấn mạnh, mô hình trên cần được nhân rộng tại các địa phương.
Nên chăng đưa môn bơi vào học chính khóa?
Tại buổi thảo luận, ông Lê Văn Châu - Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa - cho rằng, nhiều vụ trẻ tử vong do đuối nước từ các hố công trình không san lấp và cũng không có biển cảnh báo. Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cần rà soát, đặc biệt lưu ý công tác quản lý của chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở.
Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tăng cường dạy kỹ năng sống khối Tiểu học, THCS, tổ chức các lớp tập huấn dạy bơi cho trẻ em, lắp đặt bể bơi trong nhà trường.
Còn theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, việc triển khai tập huấn và thực hành bơi lội cho học sinh trên địa bàn có nhiều khó khăn do cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng dạy.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành, Chính phủ quan tâm có giải pháp hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện lắp bể bơi trong nhà trường.
Đưa ra phương án tăng tỷ lệ trẻ biết bơi, theo ông Nguyễn Duy Tự, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh, nên chăng đưa môn bơi vào chương trình chính khóa, tất cả các học sinh khi tốt nghiệp Tiểu học là phải biết bơi, có như thế mới phủ rộng tỷ lệ trẻ biết bơi trên địa bàn.