1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Một lao động bị chủ doanh nghiệp nợ hơn 7,5 tỷ đồng bảo hiểm xã hội

Hoàng Lam

(Dân trí) - Công ty cổ phần xây dựng và thương mại 423 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An nợ hơn 7,5 tỷ đồng bảo hiểm. Đáng nói đây là khoản nợ bảo hiểm trong thời gian 65 tháng của một lao động.

Nhiều lao động bị nợ bảo hiểm tiền tỷ

Theo danh sách công khai đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN), tính đến 14/2/2023, tại Nghệ An có 756 đơn vị nợ bảo hiểm với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Doanh nghiệp có số nợ bảo hiểm lớn nhất là hơn 21 tỷ đồng, ít nhất là hơn 5 triệu đồng. Doanh nghiệp có thời gian bị nợ bảo hiểm thấp nhất là 3 tháng, nhiều nhất là 145 tháng.

Một lao động bị chủ doanh nghiệp nợ hơn 7,5 tỷ đồng bảo hiểm xã hội - 1

Bên trong trụ sở Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 24, nơi đang nợ hơn 21,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm của 8 lao động.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp có nợ bảo hiểm lớn nhưng số nợ đó lại là của số ít người lao động. Cụ thể, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại 423 (có địa chỉ tại TP Vinh) có số nợ bảo hiểm hơn 7,5 tỷ đồng bảo hiểm (bao gồm tiền lãi chậm đóng). Đáng nói đây là khoản nợ bảo hiểm trong thời gian 65 tháng của duy nhất một lao động. Như vậy, trung bình mỗi tháng, số tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động này lên đến cả trăm triệu đồng. 

Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng dầu khí Nghệ An (địa chỉ tại TP Vinh) đang nợ hơn 2,6 tỷ đồng bảo hiểm của một lao động trong thời gian 95 tháng. Tổng công ty xây lắp dầu khí Nghệ An (địa chỉ tại TP Vinh) nợ hơn 5,6 tỷ đồng tiền bảo hiểm trong 62 tháng của 2 lao động...

Công ty CP đầu tư và xây dựng 24 (địa chỉ TP Vinh) nợ 8 lao động 129 tháng đóng bảo hiểm với số tiền hơn 21,5 tỷ đồng (trung bình gần 2,7 tỷ đồng/người). Đây cũng là doanh nghiệp có số nợ bảo hiểm nhiều nhất tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 1/2023.

Tình trạng nợ BHXH kéo dài của các đơn vị, chủ yếu là doanh nghiệp không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Gian nan đòi nợ bảo hiểm

Trong thời gian qua, cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhưng linh hoạt các biện pháp đôn đốc thu bảo hiểm. Ngoài việc thông báo nợ đến các đơn vị định kỳ 15 ngày/lần, BHXH Nghệ An đăng tải danh sách đơn vị nợ đóng bảo hiểm trên website của cơ quan BHXH Nghệ An, tổ chức đôn đốc thu nợ trực tiếp tại các đơn vị hoặc mời đơn vị đến trụ sở cơ quan bảo hiểm...

Một lao động bị chủ doanh nghiệp nợ hơn 7,5 tỷ đồng bảo hiểm xã hội - 2

BHXH Nghệ An đăng tải công khai các đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm trên trang Web.

Cùng với thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị nợ, cơ quan BHXH Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An làm việc trực tiếp với các đơn vị nợ kéo dài. Trong năm 2022, đoàn liên ngành đã làm việc với hơn 160 đơn vị nợ có số nợ cao, thời gian nợ kéo dài…; thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất tại hơn 300 đơn vị, thu hồi hơn 81 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động.

Tuy nhiên, công tác đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm, đặc biệt là ở các doanh nghiệp có số nợ lớn gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý thu BHXH Nghệ An phân tích: Một số doanh nghiệp khi thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức sở hữu, nhưng không xử lý dứt điểm các khoản nợ. Mặc dù cơ quan BHXH đã trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần, cơ quan chức năng ban hành các quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng nhưng doanh nghiệp không thanh toán dẫn đến số nợ ngày càng lớn và khó có khả năng thanh toán dứt điểm.

Một lao động bị chủ doanh nghiệp nợ hơn 7,5 tỷ đồng bảo hiểm xã hội - 3

Cán bộ BHXH Nghệ An tuyên truyền chính sách bảo hiểm đến người lao động (Ảnh: BHXH Nghệ An).

Bên cạnh đó, vướng mắc trong việc Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, do chưa có sự đồng nhất giữa các quy định của Luật BHXH, Bộ Luật Lao động, Luật Tố tụng dân sự... Cụ thể, có luật quy định công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động, trong khi đó có những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động, thực tế cũng rất ít người lao động khởi kiện doanh nghiệp.

Bởi vậy, phía BHXH tỉnh Nghệ An kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng để tạo cơ sở cho tổ chức công đoàn cấp trên đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của lĩnh vực BHXH. Thực tế hiện nay mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH vẫn còn thấp, chưa phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và quy mô của việc sử dụng lao động tại doanh nghiệp.