Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội phải bồi thường cho người lao động?
(Dân trí) - Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được xây dựng với chủ trương tăng cường các biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội. Với nhóm chính sách này, những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là hành vi trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý nghiêm.
Các biện pháp đề xuất để xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội đó là, người sử dụng lao động phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên tổng số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế hiện nay).
Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.
Ngoài ra, Công đoàn và cơ quan Bảo hiểm xã hội có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về bảo hiểm xã hội ra Tòa án. Nếu có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ kiến nghị khởi tố theo quy định…
Bên cạnh đó, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây ra thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị bình quân giai đoạn 2016-2020 là khoảng 10.000 tỷ đồng. Xu hướng chậm đóng vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới, đặc biệt trong bối cảnh các đơn vị doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Xét theo thời gian chậm đóng bảo hiểm xã hội, các cơ quan, đơn vị chậm đóng kéo dài trên 3 năm hiện chiếm tỉ trọng cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 là trên 30%. Đặc biệt, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội khó có khả năng thu hồi có xu hướng tăng nhanh, từ 1.562 tỷ đồng năm 2016 tăng lên đến khoảng 2.600 tỷ đồng năm 2020.
Mặc dù luật Doanh nghiệp, luật Phá sản, luật Hợp tác xã, luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng không phải là khoản ưu tiên thanh toán đầu tiên khi thanh lý tài sản.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phần lớn các doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động thời gian qua khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, người lao động không được ghi nhận đối với khoảng thời gian doanh nghiệp bị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.
Thanh Xuân