1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mở miệng nói thương con, phải hiểu tác hại kinh hoàng của đòn roi

Hoài Nam

(Dân trí) - Đòn roi, bạo lực với trẻ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, nguy cơ gây rối loạn tâm thần, dễ dẫn tới hành vi tự hủy hoại bản thân về sau. Hệ quả của đòn roi còn là tạo ra thế hệ... què quặt.

Hệ lụy của việc "thương cho roi cho vọt" là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm trực tuyến "Bạo lực gia đình & rối loạn tâm lý của trẻ" vừa diễn ra cuối tuần qua. 

Về bạo lực với con trẻ, ngoài đánh đập, TS tâm lý Lê Nguyên Phương lưu ý, còn có bạo lực bằng lời nói như sỉ nhục, chế giễu từ thể xác tới tinh thần đứa trẻ.

Ngoài ra, hiện tượng phó mặc con cái không chỉ về cơm ăn áo mặc mà còn về cảm xúc, với trẻ, cũng là một dạng bạo hành... Hậu quả những hành vi này có thể không thấy ngay thời điểm đó mà khi đứa trẻ lớn lên mới thấy bộc lộ rõ. 

Mở miệng nói thương con, phải hiểu tác hại kinh hoàng của đòn roi - 1

Các chuyên gia tham gia tọa đàm "Bạo lực gia đình & rối loạn tâm lý của trẻ" (Ảnh chụp lại màn hình).

Ông Phương thông tin, nghiên cứu của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) chỉ ra, có mối liên hệ giữa hiện tượng sang chấn tuổi thơ và các bệnh mãn tính ở con người phát triển về thể chất lẫn tâm lý. 

Điểm nghịch cảnh càng tăng thì nguy cơ mắc các vấn đề xã hội, cảm xúc cũng tăng theo. Điểm nghịch cảnh 4 trở lên, mọi thứ trở nên nghiêm trọng. Lúc đó, khả năng mắc bệnh phổi mãn tính với nạn nhân có nguy cơ tăng 390%, viêm gan tăng 240%, trầm cảm 460%, còn tỷ lệ trẻ thử tự tử lên đến 1220%. 

Đứa trẻ bị bạo hành lớn lên dễ có những hành động tự hại như cắt tay chân, nghiện ngập, dùng ma túy, rượu để chạy trốn nỗi đớn đau quá khứ... Một bé gái bị bạo hành lúc nhỏ lớn lên có nguy cơ bị người chồng bị bạo hành trong tương lai, hay bé trai bị bạo hành tiếp tục có thể bạo hành vợ con... 

"Đòn roi, bạo lực với trẻ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, đến các rối loạn tâm thần, các hành vi tự bại, tự hại, tự sát, các tệ nạn xã hội mà còn tạo một thế hệ, trong đầu tôi nghĩ đến từ "què quặt", nhưng tôi dùng từ khác là "thế hệ mong manh". Rồi chúng ta quay sang đổ thừa cho trẻ, đổ thừa cho xã hội là cưng đứa trẻ nhiều quá", ông Phương nhấn mạnh. 

Mở miệng nói thương con, phải hiểu tác hại kinh hoàng của đòn roi - 2

TS Lê Nguyên Phương tại tọa đàm (Ảnh chụp lại màn hình).

TS Phương cũng nhắc lại thông tin trong bộ sách "Dạy con trong hoang mang" của mình: "Ảnh hưởng lên não bộ của trẻ bị bủa vây trong bạo lực gia đình không khác gì cựu chiến binh bị chấn thương qua lửa đạn. Chúng già trước tuổi, không chỉ trong tâm lý mà còn trong cả DNA. Chúng sẽ tìm đến ma túy, rượu bia và cả cái chết trước khi kịp già...".

Người lớn giam hãm trẻ bằng quá khứ của mình 

Tại tọa đàm, các diễn giả nhắc đến những vụ bạo hành trẻ thời gian qua, gần nhất là sự việc bé gái 8 tuổi tại TPHCM bị bạo hành đến tử vong, gây ra nỗi đau đớn và phẫn nộ trong dư luận. Trong sự việc chấn động này, người bố biết người tình thường xuyên đánh đập con mình nhưng không có ý kiến và chính ông cũng góp tay đánh bé gái cho vì rằng đó là... đang dạy trẻ. 

Mở miệng nói thương con, phải hiểu tác hại kinh hoàng của đòn roi - 3

Bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị mẹ kế bạo hành đến tử vong.

TS Giáp Văn Dương nêu nghịch lý, cuộc sống mọi thứ giờ đây hiện đại hơn nhưng bạo lực với con trẻ dường như không giảm mà còn có những sự kiện làm cho chúng ta bàng hoàng và bức xúc hơn. 

Ông Dương chỉ ra một quan niệm sai lầm của nhiều người là coi đứa trẻ như một người lớn thu nhỏ. Họ đòi hỏi đứa trẻ phải có nhận thức, suy nghĩ, hành vi như mình. Họ áp đặt mong muốn, kỳ vọng, những hành vi lên đứa trẻ, thấy con không giống như kỳ vọng của mình là nổi giận, là bạo lực với con. 

Trong khi, đứa trẻ không phải là một người lớn thu nhỏ, đứa trẻ là đứa trẻ và đang trong quá trình trải nghiệm để trưởng thành. 

Theo TS Giáp Văn Dương, rất nhiều cha mẹ muốn con giống mình mà không để con trưởng thành là chính nó. Tệ hơn nữa là rất nhiều bố mẹ áp đặt tiêu chuẩn sống của quá khứ lên con trẻ, giam hãm đứa trẻ vào quá khứ của mình mà không nhận ra sự khác biệt về hoàn cảnh sống, môi trường và thời đại của cha mẹ với con trẻ để có thể có những hành xử đúng mực và thực tế.

Việc cha mẹ nổi giận, bạo lực với trẻ, theo TS Lê Nguyên Phương, các bậc phụ huynh có suy nghĩ phải đưa đứa trẻ vào khuôn phép. Ngoài ra, chính bố mẹ trẻ cũng từng là nạn nhân và bị tổn thương bởi bạo hành từ nhiều đời nên coi giáo dục đòn roi là chuyện bình thường.

Mỗi người cần minh định rõ, mình trở thành cha mẹ bạo hành con cái có phải vì các lý do như chúng ta bị cha mẹ đánh đập, bị chồng đánh đập hay do người mẹ căng thẳng, lo âu, sợ hãi truyền lên đứa con những cảm xúc ấy?...

Vị tiến sĩ nhấn mạnh, ngày trước, xã hội chỉ có một vài ngành nghề đơn giản nên dễ ép đứa trẻ vào khuôn. Còn hiện nay, thời đại đã khác, các công việc đòi hỏi tư duy, trình độ cao. Bố mẹ ép con vào cái khuôn của mình là đã cướp mất cuộc đời đứa trẻ, tước mất cơ hội tạo kinh tế cùng khả năng phân tích, tư duy, đánh giá, sáng tạo của con cái... 

Ông Phương khuyến cáo: "Bố mẹ nào mở miệng nói thương con cần phải hiểu được những chấn thương, những tác hại của bạo lực đến thể chất lẫn tinh thần và quan hệ xã hội, về nguy cơ đứa trẻ sẽ bị bạo hành bởi chồng, bởi cả con cái sau này. Thương con bằng bạo lực là đang hại con". 

Mở miệng nói thương con, phải hiểu tác hại kinh hoàng của đòn roi - 4

Cái chết của bé V.A tại TPHCM là lời cảnh tỉnh nhức nhối về  bạo hành với trẻ em ngay trong gia đình (Ảnh: CTV).

Một khi, bố mẹ thiếu kiến thức và thái độ nghiêm túc về tâm sinh lý của việc bị bạo hành từ lúc nhỏ, chúng ta dễ dàng bỏ qua những khuyến cáo về tình trạng cha mẹ độc hại với con cái.