Cô gái trẻ ở TPHCM hóa thân vào bé 8 tuổi bị bạo hành: "Mẹ ơi, đừng khóc!"
(Dân trí) - Những cảm xúc cô đơn, đau đớn lẫn tuyệt vọng cùng lời nhắn nhủ "bây giờ con đã bình yên" được cô gái trẻ Thủy Tiên (TPHCM) hóa thân vào em bé N.T.V.A 8 tuổi thể hiện, đã thu hút cộng đồng mạng.
"Mẹ ơi đừng khóc
Con từng nói với mẹ đừng khóc.
Nhưng con không biết làm sao để nói với mẹ rằng.
Con… một đứa bé 8 tuổi
Suốt một năm qua phải chan cơm nước mắt
Lủi thủi khóc một mình …
Mẹ biết không?
Con phải ngồi học cùng dì suốt năm sáu tiếng đồng hồ
bằng cây gỗ to dài cả mét đánh lên khắp nơi trên cơ thể.
Dì còn dùng chân đạp vào người con
lấy dây trói tay chân đến khi con kiệt sức.
Nhưng vẫn bị bắt quỳ, vừa quỳ vừa uống nước.
Con đã cầu xin dì …
cầu mong sự cứu giúp của ba.
Nhưng con biết điều đó là không thể
vì biết bao nhiêu lần ba đã bỏ mặc lời con nói.
Ba chỉ ở đó nhìn con bị hành hạ.
Đôi khi con không hiểu.
Mình có phải con gái của ba hay không?
Nhưng con chưa kịp suy nghĩ gì thì đã bị dì tát mạnh vào đầu khiến con đổ ngục.
Dì lôi con trở về thực tại.
Cái thực tại không có mẹ hay bất cứ ai bảo vệ cho con.
Dì bắt con ngồi dậy rồi đạp cho con ngã xuống, khiến con rất khó thở, lòng ngực như có gì đó chèn vào rất nặng trong mơ hồ con thấy dì kéo con dậy nhưng con không đủ sức và té ngã
Dì càng lôi con thì con lại buồn nôn, và con không còn biết gì nữa.
Bây giờ con bình yên rồi mẹ từ giờ con không còn bị sỉ vả, đánh đập đòn roi nữa.
Con gái của mẹ đang ở một nơi rất tốt
và được tất cả mọi người cầu phúc cho con.
Con mong mẹ đừng vì con mà khóc.
Mong mẹ hãy chăm sóc tốt cho em con.
Mong các bậc cha mẹ trên thế giới này
Sẽ luôn yêu thương con mình.
Để nó không phải chịu những gì mà con đã trải qua nữa".
Câu chuyện về những "dòng thư" gửi cho mẹ của bé gái N.T.V.A, 8 tuổi cùng bức tranh phác họa bé ký tên tác giả Thủy Tiên liên tục được chia sẻ trên các diễn đàn trong những ngày đầu năm 2022.
Tác giả Thủy Tiên đã hóa thân vào vai cô bé để dựng lại những dòng thư ngắn với những ngôn từ mộc mạc gửi lại cho mẹ. Ở đó, nhắc lại sự kiện chấn động: Một bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết. Sự việc đã được thể hiện qua chính góc nhìn của bé về người "mẹ kế" tàn độc và thờ ơ, nhẫn tâm của ba ruột...
Những câu chữ lột tả một cách chân thật nhất nỗi lòng bế tắc, tuyệt vọng của bé V.A. Và đặc biệt, qua việc hóa thân vào bé gái để bé chia sẻ nỗi lòng với mẹ, cùng những lời nhắn gửi đến các bậc làm cha, làm mẹ...
Qua dòng thư của tác giả, cô bé vắn số ấy như đang được trải lòng, được kể chuyện, được chia sẻ, được gọi mẹ... Điều mà đến phút cuối cùng của cuộc đời, em cũng đã không có lấy một cơ hội để thực hiện.
"Mẹ ơi đừng khóc
Con từng nói với mẹ đừng khóc.
Nhưng con không biết làm sao để nói với mẹ rằng.
Con… một đứa bé 8 tuổi
Suốt một năm qua phải chan cơm nước mắt
Lủi thủi khóc một mình …".
Được biết, trong khoảng một năm rưỡi khi gia đình tan vỡ, bé V.A được giao ngay cho chính người đàn bà xa lạ nuôi dạy, đó là người tình của bố. Trong từng đó thời gian, em chỉ 2-3 lần được gặp mẹ, những lần gặp trong nước mắt.
Ông V (anh trai của mẹ bé V.A) kể rằng, có lần khi mẹ đến trường tìm, bé V.A khóc: "Mẹ ơi! Mẹ không được đến thăm con đâu. Ba đã nói là mẹ không được gặp con mà". Thấy mẹ khóc, bé nói: "Mẹ đừng khóc, con không muốn mẹ khóc đâu, mẹ đừng làm V.A. buồn. Mẹ hứa với V.A. là mẹ đừng bao giờ khóc nữa nha!".
Tác giả đã "hóa thân" vào cô bé 8 tuổi bị bạo hành viết thư cho mẹ là Phạm Thị Thủy Tiên là cựu sinh viên khoa Văn, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Thủy Tiên hiện là line producer (nhà điều phối sản xuất) tại một công ty phim và vẽ mẫu charm.
Dòng thư này được đăng tải kèm bức ảnh phác họa bé V.A, gương mặt bầu tĩnh, dễ thương và có những nét buồn phảng phất trong đôi mắt em cũng do Thủy Tiên vẽ.
Bức thư được Thủy Tiên thu âm lại cùng cảnh vẽ phác họa cô bé V.A cũng được chia sẻ trên Tiktok làm cho bất kỳ ai nghe cũng khó kìm được nước mắt.
Thủy Tiên cho biết, ban đầu không muốn làm về câu chuyện này. Nhưng sau khi đọc được thông tin trích xuất từ camera an ninh được phục hồi trong sự việc này đã khiến cô bị sốc. Và cô gái đã đặt thử bản thân vào đứa trẻ tuyệt vọng, ngây ngô khi ấy.
"Khi thu âm khúc cuối, mình nghẹn ngào, phải thu lại nhiều lần", Thủy Tiên kể.
Nói về sức lan tỏa của bức thư, của bản thu âm, Thủy Tiên bộc bạch, điều này khiến cô có nhiều xúc cảm lẫn lộn. Cô đã cùng với nhiều người góp một chút tiếng nói để đòi lại công bằng cho em nhưng buồn vì không muốn câu like trên nỗi đau của người khác.
Cô gái trẻ trải lòng: "Mình mong đây sẽ là bức thư cuối cùng viết thay cho một số phận, một đứa trẻ đáng thương. Và mong công lý sẽ sớm thực thi".